'Chiếu tướng' Thổ Nhĩ Kỳ, Nga thể hiện quyền lực đáng sợ
Khả năng dàn xếp lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan chỉ trong một đêm đã thể hiện quyền lực đáng nể của Nga.
Hai ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã có mặt tại Moscow hôm 9/10 để hướng tới thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian theo đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin.
Khả năng triệu tập các nhà ngoại giao hàng đầu của hai quốc gia chỉ trong một đêm đã thể hiện quyền lực đáng nể của Nga, cũng như là thông điệp đối đầu trực tiếp đối với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh.
Vài ngày trước đó, trong một động thái hiếm hoi về hợp tác ngoại giao, các ngoại trưởng của Nga, Pháp và Mỹ đã ra tuyên bố lên án "sự leo thang bạo lực nguy hiểm và chưa từng có trong và ngoài khu vực Nagorno-Karabakh", đồng thời gọi cuộc chiến mới là "mối đe dọa không thể chấp nhận được" đối với sự ổn định của khu vực.
Nhưng với tư cách là bên khơi mào, không chỉ riêng Azerbaijan từ chối chấp nhận lời kêu gọi ngừng bắn. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một chướng ngại vật thậm chí còn đáng gờm đối với bất kỳ đề nghị chấm dứt giao tranh nào, theo Asia Times.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sự hỗ trợ ngoại giao tuyệt đối và hỗ trợ quân sự trực tiếp cho cuộc tấn công của Azerbaijan bắt nguồn từ vai trò đồng minh truyền thống của Ankara.
Sau khi mất vai trò đó vào tay Moscow trong những năm gần đây, Ankara đang có ý định khôi phục lại vinh quang đã mất và lấy lại vị thế là cường quốc hàng đầu trong khu vực.
Tuy nhiên, cuộc chơi quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ có những tác động rộng lớn và rủi ro cao, vì sự hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho Azerbaijan đang nhanh chóng tiến đến ranh giới đỏ khiến nước này sắp sửa va chạm với Nga.
Nga có ràng buộc với Armenia bằng hiệp ước an ninh, bởi vậy nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Ankara và Moscow vẫn tiếp tục hiện hữu.
3 tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ
Tờ Asia Times nhận định, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một nhà lãnh đạo sẵn sàng chấp nhận rủi ro và là một kỳ thủ có tính toán lão luyện chẳng kém người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Với những lợi ích trong tay, ông Erdogan đủ khôn khéo để cảm nhận cơ hội đúng lúc.
Vừa là cơ hội vừa là bước tiến mới, cuộc chơi quyền lực táo bạo của Thổ Nhĩ Kỳ ở Caucasus dựa trên chiến lược gồm ba yếu tố.
Thứ nhất, từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã sa lầy ở Syria và Ukraine, với gánh nặng được quan tâm hơn là tháo gỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự đơn độc về địa chính trị.
Trong bối cảnh đó, cuộc tấn công của Azerbaijan gây bất ngờ nhiều cho Nga cũng như đối với Armenia và khu vực Nagorno-Karabakh.
Yếu tố thứ hai trong chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ cũng dựa trên sự xao lãng của phương Tây. Thời điểm xung đột mở ra rơi vào lúc dịch bệnh Covid-19 đang là ưu tiên cấp bách của Liên minh châu Âu (EU) và môi trường chính trị ở Washington đang rối ren trong bầu cử. Có rất ít khả năng phương Tây sẽ phản ứng mạnh mẽ với bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ.
Yếu tố thứ ba trong chiến lược là tham vọng thể hiện quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Caucasus. Sức mạnh và vị thế đang lên ở Syria, Libya và Đông Địa Trung Hải chính là điều thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định mình ở một cuộc xung đột khác.
Phản ứng ngược
Một rủi ro chính đối với Thổ Nhĩ Kỳ là sự ủng hộ vô điều kiện dành cho Azerbaijan có thể tạo ra một đồng minh quá tự tin và liều lĩnh đến mức nguy hiểm, nguy cơ vượt quá giới hạn về độ tập trung và không quan tâm đến địa chính trị.
Rủi ro khác sẽ là nguy cơ phản ứng ngược từ Baku. Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất quyền kiểm soát đối với Azerbaijan khi nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ vai trò nào của Ankara trong cuộc chiến.
Azerbaijan đã và đang phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng cao trong nước và kỳ vọng vào chiến thắng. Tuy nhiên, một khi không có sự trợ giúp về quân sự, chiến thắng là khó nằm trong tầm tay.
Nguy cơ Azerbaijan chịu tổn hại ngày càng có thể xảy ra khi các cuộc tấn công vào khu vực miền núi tiếp tục kéo dài, gặp trở ngại về đường tiếp tế và tổn thất về thiết bị.
Do đó, yêu cầu ngừng bắn của Tổng thống Putin đã đến vào thời điểm quan trọng. Với khả năng triệu tập các thế lực nhanh chóng, nhà lãnh đạo Nga đã nổi lên như một kỳ thủ hàng đầu trên bàn cờ Caucasus, cô lập về mặt ngoại giao đối thủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng ấn tượng của Nga sẽ không mang đến sự bất ngờ ở vòng giao tranh mới, cũng như quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không giảm trong vòng đấu tiếp theo.