Chile chìm trong bất ổn

Chile được coi là đất nước thịnh vượng và ổn định nhất Mỹ Latinh. Thế nhưng, 'ốc đảo ổn định' này - theo như phát biểu đầy tự hào mới chỉ cách đây vài ngày của Tổng thống Chile Sebastian Pinera, đã bùng nổ một cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị với cấp độ và tốc độ hiếm có trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này.

Làn sóng bất ổn bắt đầu bằng phong trào vận động cách đây ít ngày để phản đối việc tăng giá vé dịch vụ tàu điện ngầm tại thủ đô Santiago thêm 4%, và tới ngày 18-10 vừa qua, nó đã biến thành các cuộc biểu tình rầm rộ tại khắp Santiago và trên toàn quốc, phơi bày sự mệt mỏi và giận dữ sâu sắc vượt xa giới hạn hay nguồn gốc của quyết định tăng giá nói trên. Tại đa phần các khu phố của Santiago và hầu hết các TP của Chile, người dân bày tỏ sự phản đối bằng việc gõ xoong nồi, tập hợp xe hơi với số lượng lớn để bóp còi inh ỏi hay tuần hành hòa bình. Sau đó một số phần tử tội phạm và người vô gia cư đã biến sự phản đối đó thành những hành vi bạo lực và đập phá, làm ảnh hưởng tới hơn một nửa số nhà ga tàu điện ngầm tại Santiago và vô số vụ cướp phá siêu thị, cửa hàng, ngân hàng hay bất cứ thứ gì hiện lên trước mặt họ.

Chính phủ Chile đáp trả bằng tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng lệnh giới nghiêm tại các TP chính của đất nước, trao trách nhiệm duy trì trật tự cho quân đội. Biện pháp này không những không có tác dụng làm dịu TP trong 2 đêm đầu tiên, mà trái lại còn phủ bóng lên các đường phố ở một quốc gia từng chịu đựng một nền độc tài quân sự sắt đá trong suốt 17 năm và thường xuyên áp dụng các biện pháp ngoại lệ như lệnh giới nghiêm. Trong khi đó, trước sự bất lực của các quan chức, nhiều cộng đồng dân cư khu phố đã tự tổ chức hàng ngũ để bảo vệ mình trước các nhóm tội phạm trong bối cảnh tnh hình mất kiểm soát cao độ.

Tuy nhiên, điều gì có thể giải thích cơn cuồng nộ quy mô lớn này khi nó lan tới không chỉ các tầng lớp xã hội thấp mà cả giới trung lưu mới nổi hay thậm chí cả một số khu phố với mức sống khá cao? Sau 30 năm tăng trưởng từng cho phép Chile giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói từ mức 49% vào cuối thời kỳ độc tài (1973-1990) xuống dưới 10% và sau đó tạo điều kiện cho phần lớn người dân của “đất nước hình quả ớt” này được tiếp cận hàng hóa hiện đại, mô hình kinh tế, xã hội và chính trị ở Chile đang cho thấy những rạn nứt lớn.

Mặc dù có thể cách diễn tả này vẫn là đơn giản hóa vấn đề, nhưng có thể nói rằng các rạn nứt này - kết hợp và củng cố lẫn nhau - là đặc tính của một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng không phân chia cân đối cho các thành phần kinh tế-xã hội khác nhau, với các thị trường có mức độ cạnh tranh thấp, một tầng lớp chính trị gia và doanh nhân mà pháp luật chưa hề đụng tới và không thể đụng tới. Giới chóp bu chính trị và doanh nhân này xuất hiện trước con mắt của đại chúng như những đồng minh, “chiến hữu” để bảo vệ lẫn nhau và để bảo vệ những mức giá ngày càng tăng của các dịch vụ công (vốn đã được nhượng lại cho các DN tư nhân, mới đây đã diễn ra việc tăng giá một loạt dịch vụ từ điện, nước, phí cầu đường và cuối cùng là giao thông công cộng).

Một vụ biểu tình biến thành bạo loạn ở Chile. Ảnh tư liệu

Một vụ biểu tình biến thành bạo loạn ở Chile. Ảnh tư liệu

Thêm vào “khối thuốc nổ” xã hội đó là các vụ bê bối bị phanh phui từ vài năm qua, tại cả khu vực Nam Mỹ nói chung và Chile nói riêng, cho thấy các DN lớn đã tài trợ phi pháp cho các chính trị gia ra sao, thế nhưng họ chẳng phải chịu trừng phạt gì. Các “nhân vật chính” trong các vụ bê bối được bảo vệ trước các cáo buộc bằng những hành động trực tiếp của chính phủ trung tả trước đây, những chính sách được chính phủ hiện tại hậu thuẫn và tiếp nối. Và kết luận của người dân là "không có công lý".

Đúng là Chile, theo như một số nghiên cứu hay bảng xếp hạng, là một trong số 3 hay 4 nước ít tham nhũng nhất tại khu vực, nhưng ở chiều ngược lại, có lẽ cũng là nước mà những chính trị gia và doanh nhân tham nhũng ít bị trừng phạt nhất: đơn giản là tới nay, không có bất cứ chính trị gia hay doanh nhân "cỡ bự" nào của Chile bị kết án, khác với Argentina, Brazil, Peru, Ecuador hay nhiều nước khác, nơi các cựu tổng thống, cựu bộ trưởng hay doanh nhân “máu mặt” có thể xếp thành hàng riêng trong các nhà tù. Mô hình của Chile dường như có ít tham nhũng hơn, nhưng cũng ít công lý hơn. Nếu ai đó cho rằng hiện trạng đứng trên pháp luật và đồng lõa công khai của hệ thống chính trị lưỡng đảng có thể được người dân bỏ qua, thì những vận động đông đảo của quần chúng bất mãn những ngày này đã đập tan ảo tưởng đó.

Và con đường phát triển của Chile, với ưu điểm trên nhiều khía cạnh, cũng để lại những “bãi mìn” xã hội mà hôm nay bùng nổ. Một nửa số người lao động Chile kiếm được ít hơn 555 USD/tháng tại một trong những đất nước đắt đỏ nhất khu vực; một nửa số người về hưu lĩnh hơn 350 USD/tháng trong một xã hội mà ngưỡng nghèo của một gia đình được tính ở mức thu nhập 600 USD/tháng; chỉ mới đây thôi, Chile bị Ngân hàng Thế giới xếp vào 7 trong số các nước bất bình đẳng cao nhất thế giới, với chỉ số Gini - đo mức độ bất bình đẳng với giá trị từ 0 (bình đẳng tuyệt đối) đến 1 (bất bình đẳng tuyệt đối) - chỉ được giảm nhẹ từ 0,5 xuống 0,47 nhờ một số mức thuế suất ưu đãi và trợ cấp cho các thành phần thiệt thòi nhất. Theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, nếu Chính phủ Chile không kịp thời giải quyết hợp lý cuộc khủng hoảng hiện nay, quốc gia Nam Mỹ này sẽ khó thoát ra khỏi tình trạng bất ổn.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chile-chim-trong-bat-on-167708.html