Bà Harris 'hổ thẹn' vì thành phố ở Mỹ bị dọa khủng bố hàng chục lần
Trong cuộc phỏng vấn với Hiệp hội Nhà báo Da đen Quốc gia, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris gọi các mối đe dọa đánh bom ở Ohio là 'đáng hổ thẹn'.
Phó thổng thống Mỹ Kamala Harris tham gia cuộc phỏng vấn với nhóm 3 thành viên của Hiệp hội Nhà báo Da đen Quốc gia (NABJ) hôm 17/9, Guardian đưa tin.
Theo đó, bà đã thảo luận về tình trạng phản đối nhập cư đối với người Haiti ở Springfield (Ohio), cuộc xung đột tại Gaza, các vấn đề kinh tế nội địa, bạo lực súng đạn và quyền phá thai.
Đây là một trong số ít các cuộc phỏng vấn mà bà Harris tham gia kể từ khi trở thành ứng viên của đảng Dân chủ.
Guardian đánh giá đây cũng cơ hội để bà khẳng định lại các chính sách của mình.
Mong muốn đảm bảo sự ổn định
Khi được hỏi về "ranh giới giữa tấn công và tự vệ" trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza, phó tổng thống Mỹ chia sẻ bà ủng hộ việc chính quyền Biden tạm dừng việc giao bom 2,000 lb cho Israel. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận mới là cách thực sự để chấm dứt cuộc xung đột.
“Chúng ta phải đồng ý rằng không chỉ cần chấm dứt cuộc xung đột này, phải có mục tiêu về giải pháp 2 nhà nước. Cần có sự ổn định và hòa bình trong khu vực”, bà Harris nhấn mạnh.
Bà nói thêm mục tiêu là “đảm bảo an ninh cho người Israel và sự tự quyết, phẩm giá cùng an ninh ngang bằng cho người Palestine”.
Khi được hỏi về cơ chế mà Mỹ hỗ trợ cho quyền tự quyết của người Palestine - và liệu có khả năng hay không khi nước này là đồng minh của Israel - bà Harris khẳng định điều đó hoàn toàn có thể.
Bà cho hay các cuộc họp với lãnh đạo Israel và Arab nhằm "bàn về cách chúng ta có thể xây dựng kịch bản tương lai sau cuộc xung đột".
Phó tổng thống Mỹ chia sẻ "mục tiêu" của bà là không có sự tái chiếm Gaza, không thay đổi ranh giới lãnh thổ ở Gaza và “có thể đảm bảo an ninh trong khu vực cho các bên để tạo ra sự ổn định”.
"Trái tim tôi tan nát"
Trong cuộc phỏng vấn, bà Harris cũng được hỏi về thuyết âm mưu xoay quanh cộng đồng người nhập cư Haiti tại Springfield, Ohio, mà nhiều chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa khuếch đại.
Tin đồn phân biệt chủng tộc, được thúc đẩy bởi các nhân vật nổi tiếng trong đảng Cộng hòa, bao gồm cả ứng viên Donald Trump, cáo buộc cộng đồng người Haiti đang trộm và ăn thịt thú cưng của người dân, đồng thời khiến tội phạm gia tăng.
Điều này đã dẫn đến mối đe dọa đánh bom tại thành phố Mỹ.
Thống đốc bang Ohio Mike DeWine chia sẻ: "Chúng tôi đã nhận ít nhất 33 mối đe dọa đánh bom riêng biệt", nhưng tất cả đều không diễn ra.
"Thật là điều đáng hổ thẹn. Trái tim tôi tan nát", bà Harris nói. "Có những đứa trẻ, học sinh tiểu học, và hôm đó là ngày chụp ảnh trường”.
“Bạn còn nhớ cảm giác đó chứ, đến trường vào ngày chụp ảnh? Mặc bộ đồ đẹp nhất, chuẩn bị kỹ càng, biết mình sẽ mặc gì từ tối hôm trước. Và rồi phải sơ tán", bà chia sẻ.
Bà Harris mô tả “cả cộng đồng chìm trong sợ hãi”, và nhắc lại khoảng thời gian bà làm công tố viên - khi bà học được tầm quan trọng của quyền lực.
“Khi bạn ở những vị trí cao như vậy, khi bạn có micro lớn trước mặt, bạn thực sự phải hiểu được lời nói có sức mạnh rất lớn”, bà nhấn mạnh.
“Tôi đã học được từ rất sớm trong sự nghiệp rằng lời nói của tôi có thể ảnh hưởng đến việc ai đó tự do hay bị vào tù... Khi bạn được trao chiếc micro lớn đến như vậy, sẽ có trách nhiệm lớn đi kèm”, bà nói thêm.
Theo phó tổng thống Mỹ, những gì đang diễn ra ở Springfield, Ohio cần phải dừng lại.
Bà Harris cho biết các quan chức Mỹ được bầu, đặc biệt là tổng thống, nhờ sự tin tưởng của công chúng.
"(Vì vậy), bạn không thể được giao trọng trách đứng sau con dấu của tổng thống Mỹ mà lại tham gia vào luận điệu thù hận, chia rẽ đất nước”, bà nói.
Trọng tâm của cuộc phỏng vấn sau đó chuyển sang nhóm cử tri nam da đen trẻ - những người mà theo cuộc thăm dò, đang cân nhắc bỏ phiếu cho ông Trump. Theo họ, vị cựu tổng thống Mỹ này tốt hơn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, bà Harris đang nỗ lực giành được phiếu bầu, và không cho rằng “tôi sẽ có lá phiếu vì tôi là người da đen, mà vì chính sách của tôi hiểu rõ những gì chúng ta phải làm để đáp ứng nhu cầu của tất cả cộng đồng”.
Theo bà, nhiều doanh nhân nam da đen thiếu mối quan hệ và vốn cần thiết để biến ý tưởng thành hiện thực.
Với tư cách là phó tổng thống Mỹ, bà cho hay đã nỗ lực để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ.
Trong kế hoạch xây dựng "nền kinh tế cơ hội", bà Harris cho biết sẽ mở rộng khấu trừ thuế cho doanh nghiệp nhỏ lên tới 50.000 USD. Kế hoạch này được xem cơ hội cho tầng lớp trung lưu, nâng thuế lên giới siêu giàu và cấm các hoạt động đầu cơ giá thực phẩm và hàng hóa.
Bà cũng cho biết sẽ nỗ lực giảm bớt vấn đề nợ y tế đối với cử tri da đen.
“Cứ 4 gia đình hoặc cá nhân da đen thì có một người có khả năng mắc nợ y tế cao hơn những người khác”, bà nói. “Vì vậy, một phần công việc sẽ là xóa nợ y tế khỏi hồ sơ tín dụng của bạn”.