Rosneft và Shell bất đồng về việc bán cổ phần trong nhà máy lọc dầu PCK Schwedt tại Đức
Rosneft của Nga không có khả năng thành công khi khiếu nại về việc Shell bán cổ phần trong nhà máy lọc dầu PCK Schwedt tại Đức theo kế hoạch, một tòa án Đức cho biết vào thứ Tư 18/9, trích dẫn đánh giá sơ bộ.
Rosneft nắm giữ 54,17% cổ phần tại nhà máy lọc dầu này, nhưng đã bị Chính phủ Đức tước quyền kiểm soát vào năm 2022 sau khi cuộc xung đột ở Ukraine xảy ra và mối quan hệ năng lượng giữa Đức và Nga bị cắt đứt.
Shell đã công bố kế hoạch bán 37,5% cổ phần của mình tại Schwedt cho Prax Group của Anh nhưng Rosneft đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án khu vực cấp cao Duesseldorf.
Rosneft cho rằng theo thỏa thuận giữa nhóm chủ sở hữu của Schwedt, các cổ đông hiện tại có quyền ưu tiên mua.
"Chúng tôi thấy khả năng thành công của đơn khiếu nại này là rất thấp", ông Anne Frister của tòa án Duesseldorf cho biết.
Bertrand Malmendier, luật sư của Rosneft tại Đức, cho biết công ty này đang kháng cáo vụ kiện vì việc Prax là cổ đông tại Schwedt có thể tổn hại đến quá trình bán cổ phần của công ty sau này.
Ông Malmendier cho biết Prax đang mắc nợ rất nhiều, không có dòng tiền và thiếu kinh nghiệm trên thị trường Đức, điều này tạo ra thêm nhiều thách thức.
"Chúng tôi không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong sáu tháng nữa. Nhưng chúng tôi biết rằng ngày hôm nay điều đó sẽ khiến quá trình bán tài sản trở nên cực kỳ khó khăn hơn và thậm chí là không thể thực hiện được", luật sư này cho biết, đồng thời nói thêm rằng công ty sẽ kháng cáo lên Tòa án Công lý Liên bang Đức nếu tòa án Duesseldorf bác bỏ vụ kiện.
Shell và Prax hiện chưa đưa ra bình luận gì về phiên tòa.
Đức đã chấm dứt mối quan hệ năng lượng lâu dài và sâu sắc với Nga vào năm 2022, khiến nước này phải tìm nguồn cung thay thế và giải quyết các tài sản do các công ty dầu khí Nga nắm giữ tại nước này, trong đó có cổ phần của Rosneft tại nhà máy lọc dầu Schwedt, nơi đáp ứng phần lớn nhu cầu nhiên liệu của Berlin.
Gần đây, Chính phủ Đức đã gia hạn quyền ủy thác đối với cổ phần của Rosneft với hy vọng việc bán nhà máy này có thể thành hiện thực.
Eni của Ý cũng nắm giữ 8,33% cổ phần của nhà máy lọc dầu này.