Chìm đắm vẻ đẹp Chiêu Lầu Thi
Chiêu Lầu Thi là một trong 5 đỉnh núi liền kề khu vực phía Tây Nam của dãy Tây Côn Lĩnh, thuộc địa bàn xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) và xã Thu Tà (Xín Mần). Đây là một trong những đỉnh núi cao thứ hai của huyện Hoàng Su Phì, sau đỉnh Can Lìn của núi Tây Côn Lĩnh, xã Túng Sán. Khu vực cao nhất của đỉnh Chiêu Lầu Thi là một khối đá có vách dựng đứng, cao khoảng 120 m nằm trên bình độ khoảng 1.020 ha nên rất thuận tiện cho việc quan sát bởi tầm nhìn có thể tới hàng chục km vào những ngày trời quang mây.
Hiện nay, tại khu vực Chiêu Lầu Thi còn giữ được hệ sinh thái rất đa dạng, tiêu biểu là thảm rừng nguyên sinh với hàng vạn cây cổ thụ và các loại thảo dược quý hiếm dưới tán rừng như Tam thất nam, lan Kim tuyến, Giảo cổ lam, Thất diệp nhất chi mai, Hoàng liên, Ba kích, các loại phong lan, Thảo quả... Ngoài ra, xung quanh đỉnh Chiêu Lầu Thi còn bảo tồn được hệ động vật phong phú như lợn rừng, khỉ, các loài bò sát... Đặc biệt đây cũng là cái nôi của chè Shan tuyết cổ thụ nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì. Tuy nhiên, do nằm trên bình độ cao nên điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nhất là vào mùa Đông giá rét, vào những đợt rét đậm thường có tuyết rơi.
Do đặc điểm địa hình và khí hậu nên khu vực xung quanh đỉnh núi Chiêu Lầu Thi thường xuất hiện các lớp nghịch nhiệt ở độ cao từ 500 - 1.500m - nằm dưới độ cao của đỉnh núi, trong khi toàn bộ khu vực này bị che chắn bởi các ngọn núi cao thuộc địa bàn các xã Nam Sơn, Hồ Thầu gây nên hiện tượng lặng gió ở bề mặt là điều kiện lý tưởng để xuất hiện tình trạng sương mù, tạo nên khung cảnh thơ mộng của chốn đèo mây mà không phải nơi nào cũng có được. Vào mùa Đông, nhất là những buổi bình minh hoặc hoàng hôn trong thời gian từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 1, đứng trên đỉnh Chiêu Lầu Thi du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng một thiên đường mây trắng trải rộng hàng trăm km vuông đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh từ độ cao 2.402m so với mực nước biển. Thấp thoáng trong màn sương là những cây đào rừng cổ thụ nở hoa rực rỡ vào dịp Giáng sinh và rừng hoa Đỗ quyên, gồm 2 loại đặc trưng là Đỗ quyên đỏ và Đỗ quyên hồng, nở vào dịp cuối tháng 2 âm lịch.
Năm 2009, UBND huyện Hoàng Su Phì và các ngành chức năng đã bổ sung đỉnh Chiêu Lầu Thi vào một trong những điểm du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng của huyện. Những năm trước đây, mặc dù điều kiện đường sá đi lại còn khó khăn, song đã có rất nhiều đoàn khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi Chiêu Lầu Thi với 2 hình thức chủ yếu là đi bộ hoặc xe máy. Để khai thác tiềm năng du lịch của Chiêu Lầu Thi cũng như tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các xã Hồ Thầu, Nàng Đôn và Thu Tà, giai đoạn năm 2011 – 2012, tỉnh Hà Giang đã triển khai dự án mở tuyến đường ô tô có chiều dài hơn 30 km từ thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu qua đỉnh núi đến xã Nàng Đôn, đến năm 2022 thì hoàn thành đổ bê tông đoạn từ thôn Tân Phong lên đỉnh núi với chiều dài 10,7 km. Từ năm 2017, sau khi UBND huyện Hoàng Su Phì ban hành quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tân Phong nằm trên tuyến đường lên đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, tổ chức HELVETAS của Thụy Sỹ đã hỗ trợ triển khai Dự án tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số huyện Hoàng Su Phì thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại 4 xã, trong đó có thôn Tân Phong. Hiện đã hình thành được một số hạ tầng du lịch tại thôn bao gồm hệ thống các bungalow, homestay, nhà hàng và các dịch vụ đi kèm như ẩm thực dân tộc, chương trình văn hóa, lễ hội dân gian truyền thống hết sức độc đáo và kỳ bí, tham quan làng nghề, trang phục truyền thống của các dân tộc Dao, Nùng, Mông.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đã có một số hộ đầu tư dựng nhà sàn và nhà cấp 4 làm homestay tại khu vực đỉnh núi để cung cấp dịch vụ ăn nghỉ cho khách du lịch. Sau khi Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Phát sóng Quốc gia tại núi Chiêu Lầu Thi vào năm 2021 thì khu vực này đã được lắp đặt điện lưới quốc gia và phủ sóng điện thoại di động. Nhờ đó số khách du lịch đến tham quan trải nghiệm khu vực này ngày một tăng. Năm 2022, lượng khách đến đỉnh Chiêu Lầu Thi đạt trên 10.000 lượt.
Năm 2019, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên đã xây dựng Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh xây dựng các mô hình liên kết trong phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân tại các huyện phía Tây thuộc tỉnh Hà Giang, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực xã Hồ Thầu. Vào năm 2023, Sở Xây dựng đã lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, Khu du lịch Chiêu Lầu Thi, xã Hồ Thầu và xã Thu Tà làm cơ sở cho việc mời gọi thu hút các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia đầu tư kinh doanh du lịch tại khu vực này.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong những năm tới đây, khu vực núi Chiêu Lầu Thi hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu của huyện Hoàng Su Phì cũng như của tỉnh.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202306/chim-dam-ve-dep-chieu-lau-thi-66807c6/