Chỉnh huấn, chỉnh quân để nâng cao sức mạnh chiến đấu

Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tài (nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312; nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu) và Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Thịnh (nguyên sĩ quan tác huấn Trung đoàn 88, Đại đoàn 308; nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự, đã mất ngày 17-7-2024) là những người từng tham gia 'chỉnh huấn chính trị' năm 1952 và 'chỉnh quân' năm 1953, cho biết: Sau những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong Đông Xuân 1951-1952, xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng Quân đội cả chính trị và quân sự, chuẩn bị cho các trận đánh lớn làm thay đổi toàn bộ cục diện có lợi cho ta, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tiến hành đợt 'chỉnh huấn, chỉnh quân' toàn diện, sâu sắc nhất của Quân đội ta kể từ khi thành lập.

Nâng cao giác ngộ chính trị và quyết tâm chiến đấu

Tháng 10-2022, tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Bắc 1952-Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”, Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh kể: “Sau Chiến dịch Hòa Bình thắng lợi, chúng tôi bước vào cuộc chỉnh huấn chính trị. Đây là cuộc chỉnh huấn dài ngày nhất của chúng tôi từ trước đến thời điểm đó. Nội dung tập trung vào những vấn đề cơ bản về chiến tranh nhân dân, về cách mạng Việt Nam và Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; khẳng định cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi; các nguyên tắc Đảng lãnh đạo QĐND Việt Nam; công tác chính trị trong Quân đội; trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, chiến sĩ; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai trái... Qua chỉnh huấn đã làm cho toàn quân có nhiều tiến bộ”.

Sau đợt chỉnh huấn chính trị, các đơn vị nêu cao quyết tâm, chuẩn bị chu đáo cho Chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952. Ảnh tư liệu

Sau đợt chỉnh huấn chính trị, các đơn vị nêu cao quyết tâm, chuẩn bị chu đáo cho Chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952. Ảnh tư liệu

Đánh giá kết quả đợt 1 cuộc chỉnh huấn chính trị (từ ngày 15-4 đến 20-6-1952), Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: Cuộc chỉnh huấn này là cuộc chỉnh huấn to lớn nhất từ khi thành lập Quân đội, với hàng vạn chiến sĩ, hàng nghìn cán bộ trung cấp, sơ cấp tham gia. Mục đích đợt chỉnh huấn nhằm lấy lập trường quan điểm của giai cấp vô sản để giáo dục cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ thù, bạn, ta, hiểu rõ phương châm trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, nâng cao giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc, xây dựng lập trường giai cấp vô sản để chống lại những ý thức và tư tưởng phi vô sản.

Trong đợt chỉnh huấn này, toàn quân có 1.735 cán bộ tham gia, trong đó có 70% cán bộ quân sự, 20% cán bộ chính trị và 10% cán bộ chuyên môn. Đối với đối tượng là chiến sĩ, các đơn vị cơ bản tổ chức học tập xong. Sau chỉnh huấn chính trị đợt 1, nhận thức và tư tưởng của bộ đội được nâng lên rõ rệt, ý thức và lập trường giai cấp công nhân được nâng lên một bước, phân biệt bạn, thù rõ hơn, tin tưởng kháng chiến...

Để chuẩn bị cho cuộc chỉnh huấn chính trị đợt 2, Tổng cục Chính trị đã biên soạn tài liệu “Tình hình tư tưởng của QĐND Việt Nam từ ngày thành lập đến tháng 8-1952” để các cấp ủy đảng nắm và liên hệ kiểm thảo trong quá trình chỉnh huấn. Đợt 2 chỉnh huấn chính trị diễn ra từ ngày 26-6 đến 31-8-1952, toàn quân có 1.165 cán bộ tham gia, trong đó, cán bộ trung đoàn chiếm 77%, tiểu đoàn chiếm 5%, trung đội và đại đội là 16%; cán bộ chính trị chiếm 53%, còn lại là cán bộ quân sự và chuyên môn kỹ thuật (theo cuốn QĐND Việt Nam, Tổng cục Chính trị-quá trình hình thành tổ chức và chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, Nhà xuất bản QĐND, H.1997).

Theo Đại tá Trần Quốc Hanh, nguyên Cán sự chính trị Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304; nguyên Phó hiệu trưởng về Chính trị Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không-Không quân): Kết quả chỉnh huấn chính trị đạt được mục đích, yêu cầu đề ra cả về nhận thức và tư tưởng; ý thức giai cấp của cán bộ, chiến sĩ tiếp tục được nâng cao. Ngay sau đó, Tổng cục Chính trị ra chỉ thị phát động phong trào rộng rãi trong toàn quân “Học tập tinh thần và kinh nghiệm chiến đấu của anh hùng Quân đội Nguyễn Quốc Trị và tổ chiến đấu Giáp Văn Khương” càng làm cho không khí học tập thêm hăng say, sôi nổi.

Việc tổ chức tốt công tác chỉnh huấn chính trị đã trực tiếp củng cố quyết tâm, tinh thần chiến đấu không sợ hy sinh, gian khổ của bộ đội. Đặc biệt, trong Chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), quyết tâm của bộ đội thể hiện ngay trong lúc chuẩn bị. Với không khí phấn khởi, tích cực, cán bộ sâu sát kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ, chăm sóc mọi sinh hoạt của bộ đội.

Tinh thần đoàn kết giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa chiến sĩ mới và chiến sĩ cũ càng thêm chặt chẽ. Trong các giai đoạn chiến đấu, bộ đội luôn thể hiện tinh thần tích cực, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu tiêu diệt địch. Quân ta giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Bắc, mở rộng vùng giải phóng nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch, đồng thời tạo thế chiến lược mới thuận lợi cho ta trong quá trình giành quyền chủ động trên chiến trường.

“Chỉnh biên” để tinh binh, tinh cán

Sau đợt chỉnh huấn chính trị mùa hè năm 1952, Quân đội ta tiến hành “chỉnh quân”, trong đó tập trung chấn chỉnh biên chế, tổ chức và trang bị. Nguyên tắc “chỉnh biên” là tinh binh, tinh cán, giản chính, tiết kiệm, tăng thành phần chiến đấu, giảm thành phần cơ quan. Theo đó, các đại đoàn được biên chế thống nhất theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu.

Mỗi đại đoàn có 3 trung đoàn bộ binh và các tiểu đoàn trực thuộc: Công binh, pháo binh, phòng không, thông tin, vận tải... Mỗi tiểu đoàn tổ chức một đại đội mạnh có 4 trung đội làm nhiệm vụ chủ công trong chiến đấu công kiên. Mỗi đại đội bộ binh giảm 11 người và được trang bị thêm 6 súng trường, 15 tiểu liên.

Cơ quan từ đại đội bộ đến đại đoàn bộ giảm được 800 người. Toàn đại đoàn giảm 1.000 người, trang bị vũ khí mạnh hơn trước. 3 cơ quan thuộc Bộ Tổng Tư lệnh xác định rõ chức trách và cải tiến lề lối làm việc, bỏ bớt khâu trung gian, thu gọn đầu mối, chọn lựa cán bộ, nhân viên có chất lượng, nâng cao năng suất công tác, đồng thời rút được hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể lại: Cùng với việc chấn chỉnh biên chế, tổ chức, Quân đội ta tiến hành chỉnh huấn quân sự. Các đại đoàn chủ lực học tập theo tài liệu thống nhất của Bộ Tổng Tham mưu. Nội dung huấn luyện là 5 kỹ thuật lớn, chiến thuật công kiên đánh cứ điểm và chiến thuật vận động đánh quân ứng chiến lớn; cách đánh boong-ke bán âm kiên cố của địch. Các đơn vị tổ chức huấn luyện cách đánh cả ban ngày lẫn ban đêm; phổ biến kinh nghiệm chiến đấu trong chiến dịch trước đó...

Tại buổi nói chuyện với lớp chỉnh huấn các cơ quan Khu I (25-8-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Vì sao phải chỉnh huấn? Theo Người: Vì mỗi người hoặc nhiều hoặc ít, có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm. Vì có khuyết điểm nên phải chỉnh huấn để sửa chữa, cũng như người ốm phải chữa bệnh. Vì vậy trong chỉnh huấn các cô, các chú phải cố gắng học tập, đào sâu suy nghĩ. Khi kiểm thảo, có khuyết điểm gì phải nói hết, không sợ Đảng, Chính phủ hay anh em coi thường, nhưng để anh em và Đảng giúp cho sửa chữa...

Đợt chỉnh huấn đã tạo ra xung lực đặc biệt, các đơn vị chủ lực có nhiệm vụ tác chiến ở mặt trận sau lưng địch học thêm chiến thuật chống càn quét. Đồng thời, các đơn vị đã căn cứ vào nhiệm vụ, chỗ mạnh, chỗ yếu của mình để xây dựng kế hoạch và trọng tâm rèn luyện. Từng phân đội, từng cá nhân đều có kế hoạch thi đua, nêu rõ chỉ tiêu và biện pháp cụ thể để phấn đấu. Trong luyện tập, cán bộ các cấp đi sâu, đi sát chiến sĩ, gương mẫu học tập, chăm sóc mọi mặt cho chiến sĩ. Cấp trên, cấp dưới, tân binh, cựu binh hăng say trao đổi kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn, đóng góp nhiều ý kiến vào bài giảng.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Tài, sau đợt huấn luyện cơ bản, các tiểu đoàn đều diễn tập thực binh, bắn đạn thật có các phân đội hỏa lực và chuyên môn phối thuộc. Phát huy kết quả chỉnh huấn chính trị, trong quá trình huấn luyện quân sự, các đơn vị đã chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần quan điểm coi trọng vai trò quyết định của con người trong mối quan hệ giữa con người và vũ khí, tư tưởng tích cực tiêu diệt địch, tinh thần tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, tăng cường đoàn kết, hiệp đồng.

Kết quả của công tác chỉnh huấn, chỉnh quân năm 1952-1953 đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, quân sự của toàn quân, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đây chính là cơ sở quan trọng để quân ta có thêm sức mạnh, giành những thắng lợi tiếp theo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.

Bài học về chỉnh huấn, chỉnh quân cách đây hơn 70 năm vẫn còn nguyên giá trị; nhất là giai đoạn hiện nay, toàn quân đang đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại.

Các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả công tác giáo dục, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”. Trọng tâm là quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, sát với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng cơ quan, đơn vị thực sự vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng chiến đấu của Quân đội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/chinh-huan-chinh-quan-de-nang-cao-suc-manh-chien-dau-789114