Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

Ngày 28/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Đây là khung pháp lý rất quan trọng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.

Nghị định mới bỏ qua bước thành lập khu công nghiệp so với quy định cũ. (Ảnh minh họa)

Nghị định mới bỏ qua bước thành lập khu công nghiệp so với quy định cũ. (Ảnh minh họa)

Theo đó, khu kinh tế trên địa bàn cấp tỉnh phải đáp ứng các điều kiện: Thuộc khu vực có tiềm năng, lợi thế đặc biệt quan trọng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội so với các khu vực khác để thu hút nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sản xuất, kinh doanh; có cửa khẩu quốc tế theo quy định của pháp luật về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền trong trường hợp dự kiến thành lập khu kinh tế cửa khẩu; có quy mô diện tích từ 10.000ha trở lên đối với khu kinh tế cửa khẩu, từ 5.000 ha trở lên đối với khu kinh tế chuyên biệt và đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của khu kinh tế; có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, đặc biệt quan trọng và có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng…

Khu công nghiệp được đầu tư theo các loại hình khác nhau, bao gồm: Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp). Mỗi khu công nghiệp có một hoặc nhiều chủ đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp…

Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư. Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế là cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương theo quy định; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của UBND cấp tỉnh; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan; có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế…

Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022. Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 72 của Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356986-chinh-phu-ban-hanh-nghi-dinh-moi-ve-quan-ly-khu-cong-nghiep-va-khu-kinh-te