Chính phủ cần có nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính hơn nữa, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp
ng Phạm Duy Thái - Giám đốc Quản trị và Đầu tư Công ty CP Nafoods Group cho biết: Trong năm 2021, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Thế nhưng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được nhiều với các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Năm 2021 vừa qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành kinh tế trong cả nước. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông sản là một trong những ngành nghề chịu tác động tiêu cực nhất.
Ngay cả thời điểm hiện tại, dù đại dịch không còn phức tạp như trước. Chính phủ cũng xác định sống chung với đại dịch, thế nhưng, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp vẫn bị ám ảnh về COVID-19.
Để làm rõ những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp nông nghiệp và chế biến nông sản, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Thái - Giám đốc Quản trị và Đầu tư Công ty CP Nafoods Group.
Về các giải pháp dài hạn, Nafoods đẩy mạnh chuyển đổi số, như triển khai xây dựng các ứng dụng ERP, Namis, Nafam.
Chính phủ cần có nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính hơn nữa, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp
+ Thưa ông, trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp. Có thể thấy, dù đã có kinh nghiệm đối phó, thế nhưng, năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh dường như nặng nề hơn nhiều so với một năm trước đó. Vậy những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp nông nghiệp phải đối mặt trong năm qua là gì, thưa ông?
- Quả thực, năm 2020, đại dịch COVID-19 lần đầu xuất hiện đã gây ra rất nhiều lúng túng trong việc tìm ra giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Thế nhưng, năm 2021, đại dịch COVID-19 mới là năm khó khăn nhất, vì dịch bệnh có tính chất phức tạp và căng thẳng hơn.
Dù vậy, trong 2 năm qua, chúng tôi cũng giống các doanh nghiệp, tổ chức khác trên thế giới đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình vận hành, trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các vấn đề bảo đảm an toàn nhân lực, bài toán ổn định tài chính, đặc biệt là giải quyết căng thẳng trong vấn đề logistic.
+ Trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 vừa qua, một số khó khăn như thiếu nguyên liệu đầu vào, khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa, giãn cách xã hội diện rộng, các địa phương phải hoạt động 3 tại chỗ đã ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp?
- Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, mặc dù đã chủ động ứng phó và xây dựng các cấp độ kịch bản phù hợp với từng tình hình diễn biến dịch bệnh, tuy nhiên sự bùng phát lan rộng của COVID-19 và những bất ổn về kinh tế chung trên toàn cầu đã khiến chúng tôi gặp một số khó khăn nhất định.
Thứ nhất, liên quan tới rủi ro quản lý, vận hành, nhân lực. Trong đợt dịch thứ 4 vừa qua tại Việt Nam, các tỉnh thành phía Nam chịu tác động nặng nề của COVID -19, hệ thống văn phòng, nhà máy của của chúng tôi tại TP.HCM, Long An, Bến Tre, Bình Thuận… đồng loạt phải áp dụng phương án làm việc 3 tại chỗ, làm việc online.
Bên cạnh yêu cầu đảm bảo công tác vận hành trôi chảy, công ty đã phải nâng cao năng lực quản lý chất lượng làm việc online, đảm bảo đời sống, tinh thần cho cán bộ công nhân viên thực hiện 03 tại chỗ. Điều này cũng kéo theo các chi phí vận hành tăng cao.
Thứ hai, rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các vùng nguyên liệu lớn như Thanh long, Dứa, Dừa… bước vào vụ thu hoạch đúng đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại nước ta, việc trực tiếp khảo sát chất lượng, làm việc với đối tác gặp nhiều khó khăn trở ngại do hạn chế di chuyển.
Bên cạnh đó, vấn đề vận chuyển nguyên liệu giữa các địa phương về nhà máy sản xuất giai đoạn này cũng gặp nhiều trở ngại. Thời gian vận chuyển kéo dài đã tác động nhiều đến chất lượng sản phẩm.
Thứ ba, tình hình sản xuất - kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống kho bảo quản đang quá tải so với lượng sản xuất ra do lượng tiêu thụ đang chậm lại, chi phí vận chuyển tăng cao, tình hình vận chuyển hàng hóa khó dẫn đến việc doanh nghiệp phải chủ động lưu kho các sản phẩm chưa bàn giao cho khách hàng kéo dài, lúc này chi phí điện là gánh nặng trong việc bảo quản sản phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề di chuyển khó khăn trong quá trình làm việc khiến hoạt động giao dịch trở nên hạn chế, làm giảm khả năng thực hiện trao đổi trực tiếp với khách hàng, đối tác để nắm bắt phản hồi, đề xuất giảm thiểu các phát sinh sau khi ký kết hợp đồng. Mặt khác các chỉ số tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng bởi gián đoạn dịch bệnh, do đó nhu cầu hàng hóa cũng bị giảm đáng kể.
Cuối cùng, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về tài chính, đơn cử như việc dòng tiền về gián đoạn, nguồn vốn quay vòng khó khăn…
Trên thực tế, trong năm 2021, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tài chính, tài khóa, an sinh xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Điều này đã tác động ít nhiều tới quá trình phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp nói chung.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được nhiều với các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính hơn nữa, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp.
Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính hơn nữa, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp.
Chủ động xây dựng nhiều giải pháp để sống chung với đại dịch
+ Hiện nay, về cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát ở nhiều địa phương, thế nhưng COVID-19 vẫn là nỗi ám ảnh, khiến nhiều doanh nghiệp chần chừ khi mở rộng sản xuất, hồi phục kinh tế. Có thể thấy, dịch bệnh khó có thể biến mất trong một sớm, một chiều, vì vậy, các doanh nghiệp phải có giải pháp ngắn và dài hạn để giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Vậy, tại Nafoods đã áp dụng những giải pháp gì, thưa ông?
- Thực tế, chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn, nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
Về các giải pháp ngắn hạn, chúng tôi nhanh chóng nắm bắt các chủ trương, chính sách của Chính phủ để đảm bảo 100% cán bộ, công nhân, người lao động được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 sớm. Thực hiện nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ tình hình chấp hành 5K tại văn phòng, trụ sở, nhà máy,...
Về các giải pháp dài hạn, chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số, như triển khai xây dựng các ứng dụng ERP, Namis, Nafam,.. trong chuỗi giá trị, từ giống, chăm sóc, chế biến đến logistic.
Đây chính là biện pháp giúp chúng tôi thích nghi với điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo hầu hết các hoạt động không bị gián đoạn và ảnh hưởng chất lượng.
+ Ghi nhận từ thực tế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Một số dự báo cho thấy, tình trạng thiếu nhân lực có thể kéo dài tới qua Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tức là phải tới tháng 3/2022 mới ổn định. Vậy, Nafoods có xảy ra tình trạng này không, thưa ông?
- Thật sự rất may mắn, chúng tôi hoàn toàn không phải đối diện với thực tế thiếu hụt nhân lực. Bởi vì chúng tôi sử dụng 100% nguồn lao động trực tiếp tại các địa phương, nên không có tình trạng người lao động về quê ăn Tết dài ngày. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động dài hạn, nhất là những người có chuyên môn, kinh nghiệm chúng tôi vẫn đảm bảo công việc và thu nhập cho họ, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng nhất.
+ Xin chân thành cảm ơn ông!
Ngọc Tú (Thực hiện)