'Chính phủ cần tăng sự tự tin của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam'
Các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đang lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị nguồn cung để đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới đổ về Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, Chính phủ Việt Nam cần thêm nhiều chương trình hỗ trợ để tăng sự tự tin qua đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư ngoại.
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức sáng 24/8, ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial cho hay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong đó, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nhất.
Theo ông Paul Wee, mỗi nhà đầu tư sẽ có những tiêu chuẩn riêng khi lựa chọn địa điểm để đầu tư, chỗ nào đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì họ sẽ lựa chọn.
Tại Việt Nam, để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, có 3 yếu tố cần cải thiện: Một là, liên quan đến cơ sở hạ tầng, vì đường xá rất quan trọng. Việt Nam cần có thêm các tuyến đường cao tốc, các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn thấy sự đảm bảo cam kết về thời gian hoàn thành đúng hạn. Khi các dự án hạ tầng trọng điểm được đảm bảo tiến độ thì sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt.
“Hiện tại, đang có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm bị trễ hẹn, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy nhanh chóng để tăng sự tự tin của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam”, ông Paul Wee nói.
Đại diện BW Industrial cho biết thêm, với những nhà đầu tư lớn, họ không chỉ kỳ vọng vào hạ tầng, mà cần sự đảm bảo về việc cung cấp năng lượng. Họ sẽ không chấp nhận việc được thông báo cắt điện trước 3 ngày và nhà máy của họ bị cắt điện 24 giờ. Theo đó, cần cung cấp dịch vụ ổn định cho các nhà đầu tư.
Điểm thứ ba mà vị chuyên gia này muốn nhắc đến là Việt nam đang phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực công nghệ, muốn thu hút thêm về lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo cũng rất quan trọng.
Bởi khi các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam đầu tư thì sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư khác, họ cần nguồn nhân lực có trình độ tại địa phương để khai thác chứ. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh về giáo dục và đào tạo để tăng chất lượng nguồn nhân lực
“Chúng ta có mục tiêu, muốn đưa Việt Nam trở thành số 1 ở Đông Nam Á thì phải thay đổi. Ba yếu tố tôi vừa nói sẽ là thách thức có thể làm nhà đầu tư ngần ngại”, ông Paul Wee chia sẻ.
Từ góc độ là nhà phát triển bất động sản công nghiệp, vị chuyên gia này cho biết thêm, Việt Nam cần có thêm chương trình tín dụng để khuyến khích nhà đầu tư hơn. Khi một quốc gia có chương trình, cơ chế tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh thì chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư.
BW Industrial có mặt ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam, từ kinh nghiệm phát triển của BW Industrial, ông Paul Wee cho rằng, ở khu vực phía Bắc đang thu hút nhiều nhà đầu tư được gọi là "ong chúa" hơn, họ đang phát triển khá mạnh vì có sẵn hệ sinh thái. Miền Nam đang tăng trưởng hơi chậm trong việc thu hút nhà đầu tư, nhưng gần đây, đang có nhiều nhà đầu tư công nghệ đầu tư vào khu vực này.
Liên quan đến thời điểm cho nhà đầu tư, vấn đề chi phí đang là lợi thế của Việt Nam. Bởi dòng chảy đầu tư sẽ từ một nước phát triển sang nước đang phát triển như Việt Nam. Theo đó, chi phí là yếu tố quan trọng trong phương trình của nhà đầu tư, yếu tố cốt lõi quyết định việc thu hút hoặc khiến nhà đầu tư cân nhắc có lựa chọn đầu từ hay không.
Đơn cử, tại BW Industrial, sau khi khảo sát một số nơi có vị trí rất tốt, nhưng chi phí cao quá nên cũng đành quyết định không đầu tư.
Nhiều lợi thế giúp Việt Nam hút vốn FDI
Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương đánh giá quy mô và xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu hiện có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng như những biến động nền kinh tế của các quốc gia lớn và nhiều yếu tố khách quan khác.
Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với rất nhiều lợi thế.
Cụ thể, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 4.100 USD.
Lợi thế tiếp theo được ông đề cập là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ngoài ra, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP và EVFTA...
Bên cạnh đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển của các khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến các đặc thù của hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản khu công nghiệp so với các loại bất động sản khác; Xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp; Các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của các khu công nghiệp trong nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.