Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành
Đại biểu Quốc hội nhận định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời đề xuất với Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022.
Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1/6, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến phân tích và đưa ra những giải pháp để cải thiện tình hình kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý
Ghi nhận những kết quả tích cực đạt được về kinh tế-xã hội thời gian qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa trong xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ cả ngắn và dài hạn, trong đó đặc biệt quan tâm ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo muc tiêu; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như kiểm soát giá cả thị trường, chống đầu cơ, tăng giá, trục lợi; ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, máy móc; giữ ổn định lãi suất, không để lãi suất tăng cao gây ảnh hưởng tới các hoạt động phục hồi kinh tế…
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) nhận định, mặc dù trong bối cảnh khó khăn do tác động mạnh bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước, kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc, tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, nguồn lực Nhà nước hỗ trợ phát triển cần tập trung hơn cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần huy động tối đa nguồn lực xã hội cho hoạt động đầu tư phát triển, nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, chính sách ổn định giá cả trong thời gian tới cũng cần được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế. Đặc biệt là thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đồng thời, cần tập trung xây dựng những giải pháp ổn định giá cả từ khâu đầu vào sản xuất, lưu thông; ổn định lãi suất trong chính sách tiền tệ, giảm tối đa các hoạt động làm phát sinh chi phí trung gian trong nền kinh tế; ổn định sản xuất, khuyến khích tiêu dùng, ổn định đời sống cho người lao động.
Ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, kinh tế-xã hội vẫn đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, những điểm tích cực tạo tiền đề để phục hồi kinh tế trong thời gian tới, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Đại biểu Siu Hương đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn nữa cho đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, có sự phân bổ nguồn vốn hợp lý để phát triển các sản phẩm hàng hóa, phát triển dịch vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường chi đầu tư cho khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nhấn mạnh, chủ trương, chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời, đủ mạnh, đúng hướng, có hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, đại biểu cũng chia sẻ về những khó khăn, hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, như việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu; chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đi vào thực tế sản xuất và đời sống còn bộc lộ khiếm khuyết; tính kịp thời, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong giải quyết vấn đề, thực hiện thủ tục vẫn còn bất cập.
Từ nhận định như trên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm và năng lực của bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý, khuyến khích đổi mới kỹ thuật công nghệ, phát triển doanh nghiệp; có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước; tiếp tục có biện pháp pháp luật, tổ chức, hành chính, kinh tế đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước.
Xu hướng ổn định và tăng trưởng là chủ đạo
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhận định, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời đề xuất với Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2021, cũng như những tháng đầu năm 2022 về kinh tế-xã hội mà Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ.
Để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động phục hồi kinh tế, đại biểu Tạ Thị Yên mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thúc đẩy hơn nữa tiến độ thi công các công trình hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng về giao thông vận tải; khắc phục các một số biểu hiện lệch lạc, xử lý nghiêm những sai phạm trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế…
Khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của ngành du lịch đóng góp vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 trong ngành du lịch, trong đó cần làm rõ những vướng mắc, những hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp để khắc phục. Đồng thời cần có chính sách thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch ra nước ngoài, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch.
Đồng tình với nội dụng báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ rất cụ thể, chi tiết, có số liệu minh chứng rõ ràng, khách quan. Đặc biệt, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, cũng như đề ra những giải pháp đồng bộ để tiếp tục duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
"Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chiến đấu, chiến thắng đại dịch COVID-19 và chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hiện nay xu hướng ổn định và tăng trưởng là chủ đạo", đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu.