Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 10 tháng của năm 2019 chỉ tăng 2,48%. Theo PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2019, CPI tăng thấp nhất trong 15 năm trở lại đây. Đó là một nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Phóng viên: Cuối tháng 9/2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo, CPI năm nay tăng 3,3 - 3,5%, nhưng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 được được Quốc hội thảo luận vào hôm nay, Chính phủ nhận định, CPI năm nay chỉ tăng 2,7-3%. Theo ông, con số nào khả dĩ hơn?
PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân
PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, dự báo của Chính phủ khả dĩ hơn. Bởi dự báo của Ban Chỉ đạo điều hành giá vào thời điểm cuối tháng 9, tức là mới có số liệu 8 tháng của năm. Còn báo cáo của Chính phủ là đã có kết quả 9 tháng của năm. Theo đó, tháng 9 hàng năm thông thường CPI tăng cao hơn khá nhiều so tháng 8 cũng như các tháng trước đó, ngoại trừ tháng 1 và tháng 2 (rơi vào thời gian nghỉ tết Nguyên đán) do đây là thời điểm đầu năm học mới. Nhưng tháng 9 năm nay, CPI chỉ tăng 0,32% so với tháng 8, khiến CPI 9 tháng của năm tăng 2,5% - là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm gần đây.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố càng củng cố vững chắc hơn dự báo của Chính phủ. Theo đó, CPI bình quân 10 tháng của năm chỉ tăng 2,48%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2017 và 2018 (tăng lần lượt 3,71% và 3,6%). Nếu năm nay CPI tăng như dự báo của Chính phủ thì năm 2019 là một trong số ít năm có tốc độ tăng CPI thấp nhất trong khoảng 15 năm gần đây.
Ông đánh giá thành tích này thế nào?
Năm nay, giá dịch vụ giáo dục, y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường; thời tiết mưa lũ kéo dài ở một số địa phương, giá thịt lợn tăng do nguồn cung giảm vì dịch tả lợn châu Phi… đặc biệt là việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân kể từ ngày 20/3/2019 đã làm cho giá điện sinh hoạt tăng 7,69%, mà giữ được CPI như mục tiêu Quốc hội đặt ra là tăng khoảng 4% đã là thành công, còn giữ được như năm 2017 - 2018, tăng 3,53-3,54% là kết quả quá mỹ mãn. Thế nhưng, trước các yếu tố bất lợi trong việc kiểm soát lạm phát, mà CPI bình quân năm nay chỉ tăng 2,7-3% như dự báo của Chính phủ có thể nói là thành công ngoài mong đợi.
Tôi muốn nói thêm rằng, lạm phát là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vô cùng quan trọng.
Kiểm soát được lạm phát là điều kiện tiên quyết để hạ, ít nhất là giữ được mặt bằng lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng hoạt động; khuyến khích tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để đầu tư hoặc tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kiểm soát được lạm phát thì tăng trưởng kinh tế mới có ý nghĩa, thu nhập thực tế của người dân mới tăng; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân mới được cải thiện. Vì vậy, có thể nói, năm 2019, kiểm soát được lạm phát ngoài mong đợi là kết quả rất đáng ghi nhận.
Thưa ông, vẫn còn 2 tháng cuối năm; chi tiêu, đầu tư của người dân và doanh nghiệp bao giờ cũng cao hơn các tháng trong năm rất nhiều?
Giữ được CPI bình quân 10 tháng của năm chỉ tăng 2,48% là một thành công rất lớn, nhưng không được chủ quan trong 2 tháng còn lại của năm 2019 và đặc biệt là thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI năm 2020 tăng dưới 4% như mục tiêu Quốc hội dự kiến thông qua. Trong 10 tháng của năm, CPI mới tăng 2,48%, nên việc đạt được mục tiêu CPI tăng khoảng 2,7-3% sẽ không quá khó trong năm nay.
Để kiểm soát lạm phát, đạt mục tiêu CPI năm 2020 tăng dưới 4%, thì không phải đến khi kết thúc năm 2019 mới thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát, mà phải thực hiện ngay từ bây giờ.
Theo ông phải làm gì ngoài các biện pháp, giải pháp kiểm soát lạm phát đang thực hiện được đánh giá là khá hiệu quả?
Hiện, dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng cao, ảnh hưởng đến CPI. Thói quen sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam khá cao, trong khi các loại thực phẩm khác như thủy hải sản, gia cầm, thủy cầm, đại gia súc và các loại thực phẩm khác lại thấp. Vì vậy, phải tăng cường nguồn cung gia cầm, thủy cầm, thủy hải sản, đại gia súc, vận động người dân thay đổi cơ cấu bữa ăn hàng ngày khiến nhu cầu thịt lợn giảm xuống, cung - cầu thịt lợn không quá căng thẳng.
Trong trường hợp cung thịt lợn trong nước không đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết thì phải nhập khẩu thịt lợn. Cũng như tất cả các loại hàng hóa khác, trong thị trường toàn cầu hóa, việc nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước không quá khó khăn và cũng không mất nhiều thời gian.
Theo tôi được biết, mặc dù CPI 10 tháng của năm tăng rất thấp, nhưng Chính phủ không hề chủ quan trong việc kiểm soát. Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến cung - cầu của thị trường, giá cả, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào cuối năm để hạn chế tăng giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành liên quan tăng cường các giải pháp giảm các chi phí trong dịch vụ logistics để tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho nền kinh tế.
Đặc biệt, Phó thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,9% - 2%.