Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8-10%
Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8-10% trong điều kiện thuận lợi để tạo đà tăng trưởng 2 con số.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra vào sáng 8/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhận định năm 2025 là năm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu cả nước cần phải tăng tốc và bứt phá để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, tập trung xây dựng ngay kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.
"Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước", Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá cho năm 2025 bao gồm hoàn thiện thể chế; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, dự kiến hoàn thành việc sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy trong tháng 2.
Theo đó, với các chỉ tiêu cụ thể liên quan tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn; triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%, thu ngân sách Nhà nước cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bảo đảm không quá 3.000 dự án; thu hồi những dự án không triển khai đúng tiến độ, loại bỏ các dự án không cần thiết.
Mặt khác, Chính phủ cũng đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác công - tư, kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy du lịch quốc tế và quốc nội, phấn đấu năm 2025 thu hút 120-130 triệu lượt khách trong nước và 20 triệu khách quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu, tận dụng tối đa 17 FTA đã ký, mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet và internet vạn vật, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghệ y sinh học, năng lượng sạch…
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân phải được huy động tối đa, trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cần có giải pháp tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn hiệu quả. Vướng mắc của các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư, BOT, bất động sản sẽ được xử lý triệt để, theo yêu cầu của Chính phủ.