Chính phủ đề xuất 3 luật có liên quan đến bất động sản có hiệu lực từ 1/8
Tại phiên Quốc thảo luận tại Hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản, Chính phủ đề xuất có hiệu lực sớm hơn so với quy định.
Theo đó, ngày 21/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội trước đó. Đồng thời, hai khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Không để trục lợi chính sách
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống kê, trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai có 97 điều giao chính phủ, Bộ ngành và địa phương quy định, hướng dẫn thi hành.
Còn lại, các điều khoản trong luật đều có thể thi hành được và phát huy hiệu quả, "nhất là chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc, mở rộng hạn điền, đối tượng được chuyển quyền sử dụng nông nghiệp, thuê đất trả tiền hằng năm của đơn vị sự nghiệp công lập..."
Đáng chú ý, đối với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nhiều nội dung mới, quan trọng trong quản lý, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển nhà ở. Phần lớn các điều của hai luật này có thể thực hiện ngay mà không phải hướng dẫn chi tiết như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở xã hội, đối tượng nhà ở xã hội...
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về tiến độ, lộ trình xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các luật để tránh rủi ro, vướng mắc có thể phát sinh, tạo khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách...
Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết, không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hóa, trình cấp thẩm quyền ký ban hành kịp thời sau khi các luật này được thông qua, đại biểu kiến nghị.
Luật có sự chồng chéo, vướng mắc khiến cán bộ sợ sai không dám làm
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, tờ trình của Chính phủ đã thống kê nhiều điểm có lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Do vậy, không có lý do gì để không ủng hộ việc các luật có hiệu lực sớm. Thực tiễn điều hành ở địa phương khiến chúng tôi càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống.
Đại biểu Đồng cũng là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập.
Những hạn chế này khiến nhiều cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý. Từ đó, xảy ra tình trạng cán bộ “né tránh”, “đùn đẩy” sợ trách nhiệm. Theo đại biểu, việc các luật có hiệu lực "sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó".
Nhất trí luật có hiệu lực từ 1/8, đại biểu Đồng đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thề phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết.