Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Thành phố Cần Thơ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ.
Toàn cảnh phiên họp sáng 10/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm sau cho chắc tay, song Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh tha thiết được trình vào kỳ họp bất thường để chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Đồng ý trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất
Tiếp tục phiên họp thứ sáu, sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ.
Đây cũng là một trong 4 nội dung dự kiến được trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp bất thường tới đây.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị Quốc hội cho phép Thành phố Cần Thơ được phép thí điểm áp dụng môt số cơ chế, chính sách đặc thù.
Cụ thể, Thành phố Cần thơ được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định.
Thứ hai, hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ các nguồn tăng thu cho Thành phố Cần Thơ như Chính phủ trình nhưng số bổ sung cho các địa phương không vượt quá số tăng thu của nguồn thu sử dụng để bổ sung so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.
Thứ ba, Cần Thơ được thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn theo hướng: HĐND Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí, ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (trừ án phí, lệ phí Tòa án).
Thứ tư, HĐND Thành phố Cần Thơ được quyết định chuyển đổi đất trồng lúa nước 2 vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ năm, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh, Thành phố Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND Thành phố Cần Thơ thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kết quả thực hiện.
Thứ sáu, Thành phố Cần Thơ tạo nguồn quản lý, sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng quy định, sau khi đảm bảo nguồn cải cách tiền lương để thực hiện các nhiệm vụ chính sách theo quy định thì được sử dụng chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quả 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
HĐND Thành phố Cần Thơ được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố. Chính sách này chỉ được thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách.
Chuẩn bị thêm hai nội dung mới
Đáng chú ý nhất trong nội dung Chính phủ đề xuất là Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu và Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ đây là 2 nội dung mới bổ sung so với Tờ trình 524/TTr-CP (đã trình Lãnh đạo Quốc hội ngày 25/11/2021); đồng thời là quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương.
Đây cũng là vấn đề liên quan đến nhiều đạo luật, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Đất đai… và đều thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, Dự thảo Nghị quyết quy định: “Dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu là đối tượng được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư .
Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về quy mô, tính chất, thời hạn hoạt động, kết quả dự kiến cụ thể của Dự án; những đặc thù và tính hợp lý để Chính phủ đề xuất đưa Dự án vào diện áp dụng thí điểm, làm rõ phạm vi có thể nhân rộng sau thí điểm.
Thứ hai, đề nghị cụ thể hóa toàn bộ chính sách ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Dự thảo Nghị quyết để bảo đảm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch. Việc áp dụng ưu đãi, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phải trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc của một số luật liên quan (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, pháp luật về thuế, phí…), không giao Chính phủ quy định như Dự thảo Nghị quyết.
Về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, theo Dự thảo Nghị quyết, Khu liên kết do Thủ tướng thành lập, có ranh giới địa lý, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu liên kết được hưởng ưu đãi: Ưu tiên về thủ tục hải quan; ưu tiên về thời hạn nộp thuế theo pháp luật về thuế, hải quan. Hưởng ưu đãi đặc biệt theo Điều 20, Luật Đầu tư.
Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, bộ máy quản lý Khu liên kết; quyền hạn, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Thứ hai, cơ chế ưu đãi áp dụng đối với Khu liên kết chưa được quy định cụ thể. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư tại Khu liên kết là chưa rõ ràng. Điều kiện để được hưởng ưu đãi, phạm vi ưu đãi chưa được quy định trong Dự thảo, dẫn đến việc dẫn chiếu theo Điều 20 của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Quyết định 29/2021/QĐ-TTg) là chưa ăn khớp, khó thực hiện.
Việc cho phép mọi dự án đầu tư tại Khu liên kết đều được hưởng ưu đãi về thủ tục hải quan; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác là chưa chặt chẽ, công bằng, dễ dẫn đến lợi dụng pháp luật. Thứ ba, việc giao Thủ tướng quyết định cụ thể các nội dung như trong Tờ trình là chưa hợp lý vì nhiều vấn đề sẽ không thuộc thẩm quyền. Thủ tướng sẽ không thể quyết định các nội dung trái luật.
Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, chỉ khi Chính phủ làm rõ và quy định cụ thể, bao quát, hợp lý các nội dung nêu trên thì mới đủ căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị trình lại hai nội dung khác biệt này vào đợt họp thứ hai, phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không cụ thể được thì xin chủ trương.
Tại phiên họp, tất cả thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự họp thống nhất bổ sung chương trình xây dựng pháp luật đối với Nghị quyết này để bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021.