Chính phủ giao nhiệm vụ để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để đảm bảo khởi công xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 12.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 127 triển khai Nghị quyết 187 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Dự án).
Theo đó, để việc tổ chức thực hiện Dự án đáp ứng chất lượng, tiến độ, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ cụ thể.
Về xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết nêu rõ các chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án quy định tại Nghị quyết 187 đã được Quốc hội cho phép áp dụng tương tự như Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, sẽ thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn như đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản
Về triển khai thực hiện Dự án, Chính phủ giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Dự án và tổ chức triển khai..
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư.
Bao gồm nhưng không giới hạn các nội dung sau: Quyết định giao chủ đầu tư thực hiện dự án; Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong quá trình thực hiện; Chấp thuận Danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án; Chấp thuận hồ sơ thiết kế các yếu tố cơ bản của Dự án trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương thực hiện.

Bản đồ tổng hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
UBND các địa phương được giao chủ trì tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Chủ tịch UBND các địa phương quyết định đầu tư hoặc giao người đứng đầu cơ quan trực thuộc của địa phương quyết định đầu tư các dự án liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ Dự án và không phải lập chủ trương đầu tư.
Các tỉnh, thành phố chủ động ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án.
Đảm bảo các điều kiện để khởi công trong tháng 12
Về tiến độ thực hiện, Chính phủ yêu cầu hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan trong tháng 5.
Thực hiện các thủ tục chỉ định thầu liên danh tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể trong tháng 5.
Khảo sát, lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể (bao gồm dự toán) từ tháng 6 và hoàn thành một số gói thầu trong tháng 9.
Phối hợp với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để đàm phán, ký kết Hiệp định xây dựng cầu chung tại biên giới hai nước trong tháng 7; phấn đấu hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan trong tháng 7.
Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 8.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trong tháng 12.
Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh, thành phố lập, phê duyệt dự án xây dựng các khu tái định cư, tổ chức khởi công đồng loạt các khu tái định cư trong năm 2025. Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi Dự án từ tháng 4-2025 đến tháng 9-2026.
Chính phủ yêu cầu triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030. Bộ Xây dựng được giao rà soát, đăng ký nhu cầu vốn, còn Bộ Tài chính chủ trì tham mưu Chính phủ cân đối bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện.
Về triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) tại các ga đường sắt. Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch để triển khai dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD.
Tổ chức lập, phê duyệt dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD tại các ga đường sắt; bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để phát triển đô thị.