Chính phủ Hà Lan sụp đổ: 'Hiệu ứng cánh bướm' của dòng người nhập cư

Sự sụp đổ của chính quyền Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte là dấu hiệu bất hòa mới nhất khi lượng người tìm đường nhập cư vào các nước giàu có tăng lên mức kỷ lục, thúc đẩy chủ nghĩa dân túy.

Từ trường hợp của Hà Lan

“Liệu con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?”. Đấy là mệnh đề nổi tiếng mà nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đưa ra năm 1972 để nói về việc một thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào dẫn đến một thay đổi lớn của kết quả. Người ta gọi đó là “hiệu ứng cánh bướm” và thuật ngữ này dần trở nên phổ biến trong văn hóa đại chúng khi nói về mối quan hệ nhân quả.

 Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte quyết định từ chức khi liên minh cầm quyền không đạt được sự đồng thuận về vấn đề nhập cư. Ảnh: The Guardian

Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte quyết định từ chức khi liên minh cầm quyền không đạt được sự đồng thuận về vấn đề nhập cư. Ảnh: The Guardian

Ở châu Âu lúc này, có thể ví việc chính quyền của Thủ tướng Mark Rutte ở Hà Lan sụp đổ là một hệ quả kiểu “hiệu ứng cánh bướm”, khi dòng người đông kỷ lục tìm đường nhập cư vào các nước châu Âu đã tạo ra những bất đồng sâu sắc trong xã hội cũng như trên chính trường. Khác biệt quá lớn về quan điểm xử lý vấn đề nhập cư khiến ông Mark Rutte quyết định từ chức, dẫn tới việc sụp đổ của chính phủ liên minh 4 đảng cầm quyền tại nước này.

Các bên trong chính phủ liên minh của Hà Lan đã từ chối ủng hộ đề xuất của ông Rutte về việc hạn chế số lượng người xin tị nạn sau 3 ngày đàm phán. Các trung tâm tiếp nhận đã bị quá tải và một em bé đã chết trong một nhà thi đấu thể thao được dùng làm nơi trú ẩn vào tháng 8 vừa rồi.

Đảng VVD của ông Rutte thì muốn giảm số lượng người xin tị nạn có thể đưa gia đình của họ đến Hà Lan. Chỉ những người gặp nguy hiểm cá nhân, chẳng hạn như vì quan điểm chính trị hoặc khuynh hướng tình dục, mới được phép làm như vậy. Những người chạy trốn nạn đói hoặc chiến tranh cũng không được phép.

D66, một đảng tự do tiến bộ hơn, và Christian Union, một đảng trung dung, từ chối đồng ý với chính sách trên. Phát biểu sau khi các cuộc đàm phán đổ bể, ông Rutte thừa nhận: “Di cư là một vấn đề lớn và quan trọng, cả về mặt xã hội và chính trị. Chúng tôi đã không đạt được thỏa thuận về vấn đề này và liên minh đã mất nền tảng chính trị... Vì vậy, tôi sẽ sớm trình đơn từ chức lên Nhà vua”.

Hà Lan là một trong những nước châu Âu có chính sách nhập cư khó khăn. Vậy nhưng, dưới áp lực của các đảng cánh hữu, ông Rutte vẫn cố gắng tìm cách giảm hơn nữa dòng người xin tị nạn. Trong khi đó, số lượng đơn xin tị nạn ở Hà Lan thì lại tăng nhanh, đạt hơn 46.000 đơn vào năm ngoái và có thể vượt 70.000 đơn trong năm nay.

Đến vấn đề toàn cầu

Vấn đề của Hà Lan, cũng là vấn đề của nhiều quốc gia giàu có khác trên thế giới. Kỷ lục nhập cư vào các nước này đang gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong xã hội, thúc đẩy các đảng dân túy và gây áp lực lên các chính phủ để thắt chặt các chính sách nhằm ngăn chặn làn sóng di cư.

Nhiều nơi, bao gồm Canada và một số khu vực ở châu Âu và châu Á, từng khuyến khích nhiều người di cư đến để giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động và bù đắp cho sự suy giảm nhân khẩu học. Nhưng lượng người nhập cư đến tăng vọt cuối cùng lại khiến nhiều cử tri cảm thấy bất an. Họ bắt đầu đổ lỗi cho người nhập cư làm gia tăng tội phạm và chi phí nhà ở cao hơn.

Năm ngoái, khoảng 5 triệu người đã chuyển đến các quốc gia giàu có, khi các hạn chế đi lại trong thời đại COVID được nới lỏng, tình trạng thiếu lao động ở các nước giàu ngày càng gia tăng và các vấn đề kinh tế ở các nước đang phát triển trở nên tồi tệ hơn. Theo một phân tích dữ liệu của Wall Street Journal, con số này đã tăng 80% so với mức trước đại dịch.

 Người di, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đang đổ về châu Âu với số lượng kỷ lục. Ảnh: ABC

Người di, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đang đổ về châu Âu với số lượng kỷ lục. Ảnh: ABC

Cái gì quá cũng không tốt. Những cuộc thăm dò trên khắp các quốc gia giàu có cho thấy sự phản đối mạnh mẽ đối với việc nhập cư, kể cả ở những nơi chào đón những người mới đến nhiều nhất.

Trước đây, mối quan tâm của cử tri thường tập trung vào nhập cư bất hợp pháp, có xu hướng ảnh hưởng đến tiền lương và hệ thống phúc lợi xã hội, đặc biệt khi các vụ nhập cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải vào châu Âu và từ Mexico đến Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong những tháng gần đây.

Nhưng những lo lắng cũng mở rộng đến những người di cư hợp pháp có tay nghề thấp, và thậm chí cả những người lao động có tay nghề cao, những người bị đổ lỗi cho việc tăng giá nhà ở và các chi phí khác trong thời kỳ lạm phát cao.

Khoảng một nửa người Canada cho rằng mục tiêu mới của chính phủ là khoảng nửa triệu người nhập cư mỗi năm là quá nhiều ở một đất nước 40 triệu dân, trong khi 3/4 lo lắng kế hoạch này sẽ dẫn đến nhu cầu quá mức về nhà ở, dịch vụ y tế và xã hội, theo kết quả thăm dò dư luận của Léger, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Montreal (Canada).

Tại Vương quốc Anh, nơi đã nới lỏng các quy định nhằm thu hút nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học từ nước ngoài, gần một nửa số người cho rằng số lượng người di cư hợp pháp đang quá cao - theo một cuộc thăm dò hồi tháng 3 của công ty tư vấn nghiên cứu Public First.

Ở Mỹ, nơi một tỷ lệ lớn dân số từ lâu đã phản đối việc nhập cư, thái độ đã trở nên cứng rắn hơn trong năm qua: Sự hài lòng của người Mỹ đối với mức độ nhập cư vào nước này đã giảm xuống 28% trong tháng 2, mức thấp nhất trong một thập kỷ, từ 34% một năm trước đó, theo các cuộc thăm dò của Viện Gallup.

Xu hướng cực hữu nở rộ

Tâm trạng bất an và những tiếng nói phản đối của công chúng đã đem lại mảnh đất thuận lợi cho các đảng cực hữu, với tư tưởng chống người nhập cư vươn lên nắm quyền, chẳng hạn như ở Ý và Phần Lan. Ở một số nước khác, chính phủ liên minh thiểu số đã phải nhượng bộ phe cực hữu để theo đuổi các chính sách hà khắc hơn về vấn đề nhập cư, chẳng hạn như ở Thụy Điển.

Ở Đức, Đảng Alternative für Deutschland (AfD) theo đường lối dân túy và chống người nhập cư cũng đã nhận được số phiếu bầu khá cao (10,3%) trong cuộc bầu cử quốc gia 2021. Các cử tri cho rằng việc chống nhập cư là lý do hàng đầu để họ ủng hộ Đảng AfD.

 Một cuộc biểu tình phản đối nhập cư tại CH Czech - Ảnh: GI

Một cuộc biểu tình phản đối nhập cư tại CH Czech - Ảnh: GI

Tại Pháp, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron gần đây đã tạm dừng kế hoạch cho phép những người nhập cư không có giấy tờ làm việc trong các lĩnh vực thiếu lao động trong bối cảnh tranh chấp với Ý về vấn đề vượt biên trái phép. Khoảng 60% người Pháp tin rằng cần phải siết chặt luật nhập cư, theo một cuộc thăm dò được thực hiện sau khi bắt đầu các cuộc bạo loạn gần đây của Công ty tư vấn Odoxa-Backbone cho báo Le Figaro.

Với việc nước Pháp đang bị chấn động bởi các cuộc biểu tình bạo lực sau khi cảnh sát bắn chết một thiếu niên gốc Bắc Phi, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy lãnh đạo Mặt trận Quốc gia cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen, người ủng hộ các quy định chặt chẽ hơn về nhập cư, đang nhận thêm nhiều sự ủng hộ trước cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của đất nước.

Tại Mỹ, Thống đốc bang Florida và ứng cử viên tổng thống, Ron DeSantis đã ký một luật mới vào tháng 5 vừa qua, tiếp tục hình sự hóa việc nhập cư không có giấy tờ vào tiểu bang này. Các nhà lãnh đạo ngành nông nghiệp và xây dựng cho biết luật này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động ở đó.

Ở Úc và New Zealand, hai quốc gia từ lâu đã thành công trong việc thu nhận những người nhập cư có tay nghề cao, người nước ngoài đang bị đổ lỗi cho việc tăng chi phí nhà ở. Theo các cuộc thăm dò gần đây, khoảng 60% người Úc được hỏi đã bày tỏ sự ủng hộ với việc giới hạn nhập cư để giảm chi phí nhà ở.

Tại Anh, nhiều bộ trưởng cho biết họ muốn giảm số lượng người nhập cư đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong năm qua. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman nói rằng người dân Anh không được quên cách tự làm mọi việc. “Không có lý do chính đáng nào khiến chúng tôi không thể đào tạo đủ tài xế xe tải, người bán thịt hoặc người hái trái cây”, bà Braverman phát biểu.

Khoảng 600.000 người chuyển đến Vương quốc Anh, một kỷ lục. Alan Manning, giáo sư tại Trường Kinh tế London, cho biết mức này không được phép duy trì quá lâu vì chúng sẽ làm tăng tỷ lệ người nhập cư trong dân số thêm 5% trong một thập kỷ, lên khoảng 20%. “Điều đó sẽ dẫn đến sự hình thành và bùng nổ chủ nghĩa dân túy”, giáo sư Manning kết luận.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-ha-lan-sup-do-hieu-ung-canh-buom-cua-dong-nguoi-nhap-cu-post255738.html