Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm
Từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại Nghị quyết 126/NQ-CP, Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Lạm phát ở nhiều quốc gia, khu vực tăng mạnh, ở mức cao; việc tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa dẫn đến tăng trưởng suy giảm, nguy cơ suy thoái gia tăng, tiềm ẩn rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công. Ở trong nước, với quy mô nền kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; các biến động nhỏ của kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước, nhất là áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất gia tăng, nhu cầu các thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp...
Trong bối cảnh đó, Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; phối hợp đồng bộ các công cụ, giải pháp về tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong, ngoài nước; phối hợp đồng bộ với điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu, có giải pháp phấn đấu ổn định hoặc giảm chi phí, lãi suất cho vay.
Rà soát giảm thuế, phí, lệ phí
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; tiếp tục chỉ đạo, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Cùng các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát, nắm chắc tình hình diễn biến quốc tế, trong nước, tăng cường phân tích, dự báo, chủ động có giải pháp phù hợp và phản ứng chính sách kịp thời trước những biến động tình hình quốc tế, trong nước.
Đẩy mạnh đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển.
Làm tốt công tác quy hoạch; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; cùng các bộ, cơ quan, địa phương giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh và các vấn đề tồn đọng.
Đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực trong mọi tình huống; đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, khẳng định, củng cố và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu về trái cây, lương thực, thủy sản...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực và chuẩn bị sẵn sàng cho xu thế chuyển dịch đầu tư; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt chú trọng quan tâm người yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao quán triệt quan điểm chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn theo hướng: bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, khó lường; kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng; tạo dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng. Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng và thông tin.
Làm tốt công tác quy hoạch; rà soát hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô và phát triển bền vững. Tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, tiếp tục chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách…