Chính phủ Lào nỗ lực ngăn chặn nguy cơ 'chảy máu lao động'
Suy thoái kinh tế và lạm phát cao khiến hơn 61.000 người lao động tại Lào rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc không thể tìm được việc làm phù hợp do mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống.
Trong thời gian qua, tỷ lệ lạm phát của Lào mặc dù có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Điều này cùng với mức lương cơ bản của người lao động thấp đã khiến lao động của nước này đang có xu hướng ra nước ngoài tìm việc, nhất là lao động trẻ và những lao động có tay nghề cao.
Theo thống kê của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, hiện nước này có khoảng 2,5 triệu người đang trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 34% dân số.
Suy thoái kinh tế và lạm phát vẫn ở mức cao khiến hơn 61.000 người lao động nước này rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc không thể tìm được việc làm phù hợp do mức lương tối thiểu chưa thể đáp ứng được mức sống của người lao động.
Ngoài ra, một phần lao động Lào đang có xu hướng ra nước ngoài tìm việc, nhất là lao động trẻ, lao động có tay nghề cao khiến nước này có nguy cơ "chảy máu lao động."
Bà Anousone Khamsingsavath, Cục trưởng Cục tổ chức việc làm, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cho biết để giữ chân cũng như khắc phục tình trạng thất nghiệp của người lao động, Chính phủ Lào đã và đang nỗ lực tập trung giải quyết các khó khăn như cập nhật thông tin về nhu cầu lao động theo từng ngành nghề để tạo công ăn việc làm mới cho lao động mất việc; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động cũng như tăng mức lương tối thiểu.
Theo bà Anousone, tình trạng "chảy máu lao động" không chỉ tác động xấu tới kinh tế-xã hội mà còn khiến sản xuất bị ngưng trệ bởi thiếu lao động.
Vì vậy, trong thời gian tới, Lào sẽ đầu tư phát triển đồng đều trên cả nước để phân bổ nguồn nhân lực, đồng thời tạo thêm việc làm mới để giữ chân lực lượng lao động, cải thiện tỷ lệ thất nghiệp trong nước.
Trong giai đoạn tháng 4/2022-5/2023, Lào tạo việc làm mới cho hơn 15.000 người và nâng cao tay nghề cho hơn 1.700 người./.