Chính phủ liên minh 3 đảng tại Đức đón đầu các định hướng mới

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và cngày 24/11 đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ mới sau 2 tháng đàm phán căng thẳng.

Chính phủ liên minh 3 đảng

Theo NBCnews, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz từ SPD sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel làm Thủ tướng Đức. Bà Annalena Baerbock từ đảng Xanh sẽ trở thành Ngoại trưởng và ông Robert Habeck, thành viên đảng Xanh, sẽ là Bộ trưởng Bộ Kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Ông Olaf Scholz. Ảnh: Reuters

Ông Olaf Scholz. Ảnh: Reuters

Đại diện của 3 đảng tại Đức đã liên tục tham gia đàm phán thỏa thuận kể từ sau chiến thắng bầu cử vào ngày 26/9, thay thế chính phủ sắp mãn nhiệm của bà Merkel. Lãnh đạo liên minh giữa 3 đảng SPD, FDP và đảng Xanh đã thông báo thỏa thuận sẽ mở đường cho ông Olaf Scholz từ SPD thay thế bà Merkel trong thời gian tới.

Dự kiến, ông Olaf Scholz sẽ được phê chuẩn trở thành Thủ tướng mới của Đức vào đầu tháng 12/2021, chính thức thay bà Angela Merkel để dẫn dắt chính phủ Đức sau 16 năm cầm quyền.

Trong một tuyên bố riêng, bà Annalena Baerbock và ông Robert Habeck khẳng định, thỏa thuận liên minh 3 đảng đã thiết lập hướng đi sắp tới cho các trọng tâm mới nhằm giải quyết tác động của đại dịch Covid-19 cũng như khủng hoảng khí hậu.

"Đất nước đang đối mặt với thách thức lớn. Chính phủ mới sẽ phải tìm cách vượt qua đại dịch, kiềm chế khủng hoảng khí hậu, hướng đến sự thịnh vượng và xác định lại sự gắn kết bền vững nhằm đối phó với những biến động xã hội. Tất cả những điều này đòi hỏi sự thay đổi. Với thỏa thuận liên minh này, sau các cuộc đàm phán kỹ lưỡng, chúng tôi đã thanh công trong việc thiết lập hướng đi này", bà Annalena Baerbock và ông Robert Habeck nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, liên minh 3 đảng cũng đã đồng ý cam kết loại bỏ dần việc sử dụng than đá trước năm 2030, loại bỏ các động cơ đốt trong và chấm dứt sản xuất điện từ khí đốt vào năm 2040.

Đây sẽ là liên minh 3 bên đầu tiên trong chính phủ Đức và là liên minh đầu tiên tập trung giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Vấn đề khí hậu sẽ là ưu tiên hàng đầu của mỗi bộ trong chính phủ mới của Đức. Xét về độ tuổi của các thành viên, đây cũng sẽ là chính phủ trẻ nhất trong lịch sử Đức.

Đồng ý cho Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân

Theo Washington Examiners, chính phủ sắp tới cho biết Đức sẽ tiếp tục để Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình bất chấp truyền thống chống hạt nhân giữa các đảng lớn trong liên minh.

"Miễn là vũ khí hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong khái niệm chiến lược của NATO, Đức vẫn có lợi khi tham gia vào các thảo luận chiến lược và quy trình lập kế hoạch", chính phủ liên minh 3 đảng tuyên bố trong thỏa thuận vào ngày 24/11.

Giới quan sát nhận định, có thể xảy ra bất đồng giữa Berlin và các trung tâm quyền lực khác của NATO nếu chính phủ tiếp theo phải chịu trách nhiệm giải trình sau khi kết thúc cuộc tranh luận về việc liệu thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo của Đức có khả năng mang vũ khí hạt nhân hay không.

"Các vấn đề này sẽ nảy sinh thêm mâu thuẫn giữa các đại diện của Đảng Xanh và những người theo chủ nghĩa hòa bình trong Đảng Dân chủ xã hội bởi họ vẫn duy trì quan niệm rằng Đức đứng ngoài gánh nặng chia sẻ hạt nhân", theo nhà phân tích Stefanie Babst, người đồng tình với quan điểm để Đức sở hữu máy bay chiến đấu mang vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có bài phát biểu vào tuần trước trong diễn đàn Berlin rằng chính phủ Đức kế tiếp cần tiếp tục "cam kết chia sẻ hạt nhân của NATO".

"Đây là tín hiệu quan trọng về sự đoàn kết của đồng minh chống lại bất kỳ kẻ thù nào có vũ khí hạt nhân. Vì vậy, các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO có tầm quan trọng đặc biệt đối với châu Âu. Trong thế giới đầy bất trắc ngày nay, chúng ta an toàn hơn khi châu Âu và Bắc Mỹ có thể sát cánh cùng nhau trong tình đoàn kết chiến lược, cùng với một nước Đức hùng mạnh giữ vai trò trung tâm của liên minh", ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Theo ông Steoltenberg, trước cuộc khủng hoảng di cư diễn ra ở châu Âu và sự hiện diện rõ ràng của Nga trong khu vực, các quốc gia châu Âu lại càng phải tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Moscow cho rằng kho vũ khí hạt nhân của NATO đang gây ra mối đe dọa khiến Điện Kremlin phải áp dụng các chính sách cứng rắn - điều cũng khiến NATO lo lắng. Do đó, ở vị trí là cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, nước Đức cũng cần sớm có một chính phủ mới và một Thủ tướng mới để giải quyết vấn đề này.

"Hiện tại, định hướng ban đầu của liên minh 3 đảng là vạch ra đường lối vững chắc nhằm giảm đi mối đe dọa trước mắt", cựu phân tích chính sách của NATO Stefanie Babst khẳng định./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chinh-phu-lien-minh-3-dang-tai-duc-don-dau-cac-dinh-huong-moi-20211125110336314.htm