Chính phủ mới của Mỹ sẽ ban hành 10 lệnh hành pháp đầu tiên

Ông Ron Klain, Chánh văn phòng Nhà Trắng của chính quyền Mỹ sắp tới. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 16/1, nhóm chuyển giao quyền lực của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden thông báo sẽ ban hành khoảng 10 lệnh hành pháp trong 10 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.

Một thông báo nội bộ do ông Ron Klain, Chánh văn phòng Nhà Trắng của chính quyền sắp tới soạn thảo, cho biết các lệnh hành pháp sẽ tập trung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, cuộc khủng hoảng kinh tế, cuộc khủng hoảng khí hậu và cuộc khủng hoảng sắc tộc.

Cùng với các sắc lệnh hành pháp, một chương trình lập pháp mạnh mẽ cũng sẽ được thực hiện nhằm cứu trợ cho hàng triệu người dân Mỹ đang phải vật lộn với khó khăn.

Trong thông báo, ông Ron Klain khẳng định những hành động mà chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden thực hiện sẽ không chỉ nhằm đảo ngược những thiệt hại nặng nề hiện nay mà còn nhằm đưa nước Mỹ tiến lên phía trước khi làm thay đổi diễn biến của đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và hỗ trợ các cộng đồng chưa được đáp ứng về y tế và hạ tầng công cộng, xây dựng lại nền kinh tế bằng cách tăng cường các trụ cột…

Chính quyền ông Biden cũng sẽ ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở các cơ quan liên bang, về đi lại giữa các tiểu bang, gia hạn tạm dừng các hoạt động thu hồi tài sản, mở cửa lại các trường học và doanh nghiệp một cách an toàn thông qua mở rộng xét nghiệm….

Ngoài các sắc lệnh hành pháp, ông Biden cũng có kế hoạch yêu cầu Bộ Giáo dục Mỹ gia hạn thời gian tạm ngừng thu các khoản trả nợ cũng như lãi suất của các khoản vay của sinh viên liên bang, gia nhập lại Hiệp định Khí hậu Paris và hủy bỏ lệnh cấm đi lại của chính quyền Tổng thống Donald Trump với 7 quốc gia theo đạo Hồi.

Trước đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng đã công bố gói kế hoạch phục hồi kinh tế 1.900 tỉ USD nhằm giúp nước Mỹ vượt qua hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng vắcxin ngừa bệnh này.

Cũng trong ngày 16/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã đề cử quan chức kỳ cựu về chính sách đối ngoại Mỹ, bà Wendy Sherman, một nhà đàm phán giữ vai trò chủ chốt trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, trở thành nhân vật số 2 tại Bộ Ngoại giao, sau ông Antony Blinken đã được ông Biden đề cử làm Ngoại trưởng.

Bà Sherman, có bằng thạc sĩ về công tác xã hội, là cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1997 đến năm 2001, giai đoạn bà cũng nắm giữ vị trí điều phối viên chính sách về Triều Tiên. Trước đó, từ năm 1993-1996, bà là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề lập pháp.

Ngoài ra, ông Biden cũng đề cử bà Victoria Nuland, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã nghỉ hưu, người từng kinh qua nhiều vị trí như nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Âu, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị - trên thực tế đứng vị trí thứ 3 trong hàng ngũ các quan chức ngoại giao Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng đề cử một trong các cố vấn chính sách đối ngoại lâu năm của mình, ông Brian McKeon làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Quản lý và Nguồn lực, trong khi đề cử bà Bonnie Jenkins làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế.

Cùng với đó, ông Biden đã đề cử bà Uzra Zeya làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền. Dự kiến, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần vào ngày 19/1 để phê chuẩn chức vụ cho ông Antony Blinken.

Nếu được phê chuẩn, những ứng cử viên thứ trưởng ngoại giao nói trên sẽ làm việc dưới quyền của ông Blinken.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251294/chinh-phu-moi-cua-my-se-ban-hanh-10-lenh-hanh-phap-dau-tien.html