Chính phủ Mỹ có nguy cơ tạm đóng cửa do bế tắc về dự luật chi tiêu

Mỹ chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa ngăn chặn nguy cơ chính phủ của nước này phải đóng cửa. Và nguy cơ đó ngày càng tăng khi các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ vẫn đang bất đồng về dự luật chi tiêu ngắn hạn.

Một số dự luật ngân sách hiện đang được thảo luận ở Washington, nhưng không có dự luật nào có đủ phiếu để thông qua ở cả Thượng viện do Đảng Dân chủ chiếm đa số và Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

 Các nhà lập pháp Mỹ có thời hạn đến nửa đêm ngày 30 tháng 9 để đạt được thỏa thuận ngăn chặn việc Chính phủ Mỹ đóng cửa. Ảnh: AFP

Các nhà lập pháp Mỹ có thời hạn đến nửa đêm ngày 30 tháng 9 để đạt được thỏa thuận ngăn chặn việc Chính phủ Mỹ đóng cửa. Ảnh: AFP

Các nhà lập pháp có thời gian đến nửa đêm ngày 30 tháng 9 để đạt được thỏa thuận trước khi nguồn tài trợ cho các dịch vụ công của Chính phủ Mỹ cạn kiệt.

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa gây nguy hiểm cho tài chính của hàng trăm nghìn người lao động, những người có thể phải tạm nghỉ không lương. Đồng thời công viên, bảo tàng và các tài sản liên bang khác sẽ phải đóng cửa.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách nhìn chung đều muốn tránh tình trạng này, nhưng một số người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn phản đối mọi dự luật.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Nhà Trắng cho biết: “Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là kết thúc năm tài chính, những đảng viên Đảng Cộng hòa cực đoan ở Hạ viện đang chơi trò chơi đảng phái với mạng sống của người dân”.

Sự bế tắc có thể gây ra hậu quả đối với cuộc chiến ở Ukraine, khi Nhà Trắng đang tìm kiếm một dự luật ngân sách để bao gồm 24 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Kiev.

Mặc dù kế hoạch như vậy được các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Thượng viện ủng hộ nhưng nó lại bị một số thành viên Hạ viện phản đối hoàn toàn.

Đại diện cực hữu Marjorie Taylor Greene cho biết trên X: “Tôi sẽ không bỏ phiếu để tài trợ một xu nào cho cuộc chiến ở Ukraine”. Sự việc này xảy ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào cuối tuần này.

Vào tháng 6, Chính phủ Mỹ đã tránh được khả năng vỡ nợ trong gang tấc khi các thượng nghị sĩ bỏ phiếu thông qua giới hạn nợ chính phủ vào phút chót và sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng.

Mỹ đã từng có những giai đoạn đóng cửa trước đây, trong đó có khoảng thời gian 35 ngày từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Nhà kinh tế trưởng của EY, Gregory Daco, cho biết trong tuần này rằng việc đóng cửa lần này “sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 6 tỷ USD” và khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ giảm 0,1% trong quý IV.

Ông nói: “Ngoài những hậu quả kinh tế vĩ mô trực tiếp của việc đóng cửa, thì thị trường tài chính và niềm tin của khu vực tư nhân cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng”.

Huy Hoàng (theo AFP, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-my-co-nguy-co-tam-dong-cua-do-be-tac-ve-du-luat-chi-tieu-post265333.html