Chính phủ Nga lập cơ quan mới để quản lý cải cách cơ cấu kinh tế

Ảnh minh họa - Nguồn: Global Look Press

* Nga nhiều khả năng không nhất trí cắt giảm thêm sản lượng dầu

Bộ Phát triển kinh tế Nga đã soạn thảo và chính phủ đã nhất trí với kế hoạch cải cách cơ cấu, “rất cần thiết” để nền kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình của thế giới - ít nhất là 3% kể từ năm 2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, các cải cách này do ủy ban của chính phủ về phát triển kinh tế thực hiện và Bộ Phát triển kinh tế đề xuất thành lập một cơ quan quản lý đặc biệt mới phục vụ công tác vận hành cải cách.

Các đề xuất liên quan được Bộ trưởng bộ trên, ông Maxim Oreshkin nêu trong một bức thư gửi Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, người đứng đầu Ủy ban Phát triển kinh tế, và một quan chức liên bang đã xác nhận về văn kiện này.

Cơ quan quản lý mới, theo đề nghị của Bộ trưởng Oreshkin, sẽ là một tiểu ban đảm bảo tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy thực hiện cải cách cơ cấu. Dự kiến chính ông Oreshkin sẽ đứng đầu tiểu ban này.

Dự kiến các chức năng chính của tiểu ban là xem xét các tài liệu về việc thực hiện cải cách cơ cấu (kể cả những bất đồng trong chính phủ), đề xuất các biện pháp cần thiết tiếp theo và ra kết luận về tình hình kinh tế.

Bộ trưởng Oreshkin đề xuất tổ chức cuộc họp đầu tiên của ủy ban phát triển kinh tế chính phủ về các nhiệm vụ mới vào giữa tháng 12 và sau đó tổ chức hàng tháng. Tại cuộc họp đầu tiên, ông Oreshkin đề xuất phê chuẩn các hướng cải cách cơ cấu chính. Kế hoạch làm việc của ủy ban, được Bộ Phát triển kinh tế soạn thảo, bao gồm 6 lĩnh vực chính: cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích nhu cầu đầu tư; tăng tính hiệu quả của thị trường lao động; thúc đẩy sự cạnh tranh; phát triển công nghệ và đổi mới; tài chính (bao gồm phát triển tích tụ hưu trí dài hạn, phát triển thị trường thế chấp…); mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của Nga.

Theo Bộ Phát triển kinh tế, nhiệm vụ chính của ủy ban là "điều phối chính sách nhà nước về quản lý tổng cầu". Bộ trưởng Oreshkin cho rằng tổng cầu cuối của nền kinh tế Nga hiện đang yếu. Năm nay, ước tính nền kinh tế Nga sẽ bỏ lỡ ít nhất 1.000 tỉ ruble (10,57 tỉ USD) tổng cầu.

Trong diễn biến khác, các nguồn tin thân cận cho biết Nga nhiều khả năng sẽ không nhất trí cắt giảm thêm sản lượng dầu tại cuộc họp với các nước xuất khẩu dầu khác trong tháng tới.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm cả Nga, còn gọi là "OPEC+", dự kiến sẽ thảo luận về chính sách sản lượng tại cuộc họp được tổ chức vào ngày 5/12 tới ở thủ đô Vienna của Áo. Các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC hiện tỏ ra lo ngại về tăng trưởng nhu cầu yếu ớt trong năm 2020.

Nga cho rằng sẽ khó để nước này tự nguyện cắt giảm sản lượng trong những tháng mùa Đông lạnh giá, đặc biệt tại khu vực Tây Siberia, nơi sản xuất 2/3 sản lượng dầu của Nga và là nơi đặt hầu hết các giếng dầu của nước này. Theo các chuyên gia, một giếng dầu có thể phát nổ trong điều kiện băng giá nếu ngừng sản xuất. Tuy nhiên, những rủi ro xuất phát từ điều kiện nhiệt độ cực thấp, vào khoảng -50 độ C, có thể buộc Nga phải giảm sản lượng dầu một cách không chủ ý.

Khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu được thực thi vào tháng 1/2017, Nga đã giảm dần sản lượng theo cam kết nhưng chỉ đạt đầy đủ cam kết vào tháng 5 năm đó. Một nguồn tin thân cận cho hay: "Chúng tôi cho rằng cuộc họp vào tháng 12 tới sẽ không dễ dàng. Nga sẽ không nhất trí cắt giảm thêm sản lượng trong các tháng mùa đông”.

OPEC cùng với Nga và các nhà sản xuất dầu lớn khác đã nhất trí cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng bắt đầu từ tháng 1/2019. Thỏa thuận này đã được gia hạn đến hết tháng 3/2020.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/231645/chinh-phu-nga-lap-co-quan-moi-de-quan-ly-cai-cach-co-cau-kinh-te.html