Chính phủ quyết nhiều giải pháp hiện đại hóa bảo trì hạ tầng giao thông
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 877/2022 phê duyệt Đề án Xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đề án của Chính phủ cũng tập trung nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý khai thác và bảo trì theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo các hư hỏng công trình - Ảnh minh họa.
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông qua việc chủ động, nắm bắt kịp thời và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đề án phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 100% chuyển đổi số toàn diện các nghiệp vụ của tất cả các đơn vị thuộc Bộ GTVT; hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn của ngành giao thông vận tải, kết nối và chia sẻ giữa các lĩnh vực giao thông vận tải, giữa trung ương và địa phương.
Áp dụng rộng rãi mô hình thông tin xây dựng (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình giao thông; ứng dụng phổ biến công nghệ và vật liệu tiên tiến trong xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Để đạt được mục tiêu trên, đề án triển khai một số giải pháp chủ yếu về thể chế, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, khai thác và bảo trì.
Cụ thể, về thể chế, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, quy định chi phí trực tiếp xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ và hướng dẫn xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng phù hợp thực tế, rõ ràng và dễ áp dụng; bổ sung quy định về bảo trì công nghệ thông tin, đặc biệt hệ thống giao thông thông minh (ITS) và thu phí điện tử không dừng (ETC); xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng BIM.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế và giải pháp khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa theo phương thức đối tác công - tư cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đầu tư, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chú trọng đến các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong nước.
Cùng đó, sẽ hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tư vấn thiết kế, đầu tư và các nhà thầu xây dựng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng BIM và các ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị; các ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác khảo sát, thiết kế và thi công công trình.
Bài viết liên quan
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động TP HCM xin gỡ vướng mắc về quản lý bất động sản Du lịch – Nghỉ dưỡng – Giải trí: Công thức tạo lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư