Chính phủ rất nỗ lực và hoàn thành vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển KT-XH
Ngày 09/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm
Trình bày báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi NSNN được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; vừa phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ; vừa phải đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
Bên cạnh đó, sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI; thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển; việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh rườm rà, chưa triệt để.
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP đạt 6,87%
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ năm vừa qua đã rất nỗ lực và hoàn thành vượt hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội giao, đồng thời nhận định những kết quả tích cực thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành.
Các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các quyết sách của Quốc hội, việc điều hành của Chính phủ, việc thực hiện 15 chỉ tiêu Quốc hội giao; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh tài chính, năng lượng, lương thực, tiết kiệm, kiểm soát lạm phát...
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, mặc dù thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại bán vàng và đã rút ngắn được chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước, tuy nhiên đây vẫn là một thị trường vàng nhiều yếu tố rủi ro. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng để đảm bảo thị trường trong nước ổn định, không chênh lệch nhiều với thị trường quốc tế.
Bàn về giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh đây là một giải pháp rất căn bản, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, khắc phục độ trễ của chính sách. Tuy Chính phủ và các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm cao, tuy nhiên, hiện nay còn nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản ở các địa phương chưa được ban hành, việc chậm trễ này đẩy lùi thời gian luật đi vào cuộc sống, khiến luật không thể phát huy được tác dụng tích cực trong thực tiễn như mong muốn ban đầu khi xây dựng, sửa đổi luật.
Tại Kỳ họp tới, Quốc hội cũng tiến hành sửa đổi nhiều luật quan trọng trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần thể hiện tinh thần, cách làm mới để tháo gỡ khó khăn, cải thiện tối đa thủ tục hành chính, quán triệt quan điểm luật của Quốc hội chỉ quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, không luật hóa nghị định, thông tư, tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt điều hành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025; chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới; vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước; đảm bảo nguồn cung và ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu; quan tâm chỉ đạo quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Năm 2024, nhờ quyết tâm và chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển, dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,87%, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và triển vọng về tăng trưởng.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân dưới 4,5%, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao, tỷ giá thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến phù hợp với thị trường thế giới. Thu ngân sách ước tăng 10,1% so với dự toán, nông, lâm, thủy sản duy trì tăng khá, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, dịch vụ ước tăng 7%, đầu tư tư nhân tăng 6,7%, vốn FDI thực hiện ước tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.