Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh

'Chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn', Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh nhấn mạnh các nội dung trên trong phát biểu kết luận Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội diễn ra sáng nay, 21/9.

Chính phủ cam kết luôn đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ trường hợp nào. Không hình sự hóa các quan hệ về kinh tế. Sẽ nghiên cứu bãi bỏ các giấy phép con. Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật một cách thuận lợi và yên tâm sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy cái sự phát triển chung của đất nước.

“Chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nội dung trên trong phát biểu kết luận Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội diễn ra sáng nay, 21/9.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Phó thủ tướng, các trưởng ngành lắng nghe và xử lý dứt điểm các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp theo chức năng, thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

“Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tinh thần là vướng ở đâu, mắc ở đâu thì gỡ ở đó, không đùn đẩy, không né tránh”, Thủ tướng Chính phủ gửi thông điệp tới các doanh nghiệp.

Trong khoảng thời gian từ 8 sáng đến quá trưa ngày 21/9, lãnh đạo 12 tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn đã không bỏ lỡ một giây phút nào để gửi ý kiến, kiến nghị và cả tâm tư tới lãnh đạo Chính phủ cũng như lãnh đạo các bộ, ngành ngay sau khi nhận được câu hỏi: "Các doanh nghiệp lớn có sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ lớn của đất nước?".

Tập đoàn Hòa Phát bày tỏ sẵn sàng tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tập đoàn Sovico, T&T Group tâm tư với kế hoạch đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không, thậm chí trở thành địa điểm sản xuất, lắp ráp máy bay.

Tập đoàn REE trăn trở với các dự án điện gió ngoài khơi. Sungroup chờ đợi cơ chế đặc thù để có thể tham gia vào các dự án lớn. Vingroup sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đào tạo, xây dựng nhà ở xã hội... Tập đoàn TH mong được làm mô hình thí điểm để tăng hiệu quả đất rừng...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng chia sẻ, họ cần sự động viên và sự ủng hộ của cơ chế, chính sách một cách rõ ràng để yên tâm dấn thân, như lời hứa của bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐTQ Tập đoàn REE. Hay như chia sẻ của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco là muốn đề cập đến những khó khăn, vướng mắc cụ thể vì Thủ tướng động viên rất nhiều, nhưng ở dưới là một rừng thủ tục, không biết đi vào lối nào, đi ra thế nào.

"Chúng tôi mong muốn chúng ta phải thay đổi về tư duy, đột phá về thể chế, trước hết là tăng phân cấp, phân quyền”, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco thẳng thắn.

Phản hồi các ý kiến, Thủ tướng đã giao việc cho các bộ, ngành ngay tại Hội nghị, theo hướng khi xử lý công việc thì phải theo tinh thần là quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Tổ chức thực hiện thì phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm.

“Các bộ, các ngành sẽ tổ chức thêm các hội nghị chuyên đề với các doanh nghiệp, ví dụ như là tài nguyên - môi trường giải quyết các vướng mắc của của doanh nghiệp liên quan đến đất đai, về môi trường; ngành giao thông - vận tải hay tài chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến giao thông, thuế... Tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, đã thực hiện là phải có sản phẩm cân đong đo đếm được, lượng hóa được”, Thủ tướng giao nhiệm vụ ngay tại Hội nghị.

6 "tiên phong" dành cho doanh nghiệp

Chia sẻ với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham dự Hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế về quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Tinh thần là xây dựng thể chế không phải chỉ để quản lý có hiệu quả mà phải tập trung cho kiến tạo môi trường phát triển. Đó là tư tưởng rất nhất quán”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gửi tới các doanh nghiệp 6 đề nghị về tiên phong.

Thứ nhất là tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng của đất nước như là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Đẩy mạnh hơn các động lực tăng trưởng mới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm...

Thứ hai là tiên phong trong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.

Thứ ba là tiên phong trong tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, an sinh xã hội.

Thứ tư là tiên phong trong phát triển hạ tầng, nhất là tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng văn hóa. Trong đó, đặc biệt là hạ tầng giao thông như phát triển đường sắt cao tốc, phát triển đường cao tốc, đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng rồi hạ tầng chống biến đổi khí hậu và hạ tầng số.

Thứ năm là tiên phong trong góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ sáu là tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng, cùng phát triển.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chinh-phu-se-hoan-thien-the-che-de-doanh-nghiep-yen-tam-san-xuat---kinh-doanh-d225523.html