Ngân hàng tích cực hỗ trợ DN hồi phục sau thiên tai

Các ngân hàng TMCP tư nhân đã tích cực triển khai các chỉ đạo của NHNN và chủ trương của Chính phủ, có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho người dân và doanh nghiệp (DN), đồng thời, các ngân hàng cũng có nhiều kiến nghị đề xuất đáng chú ý để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau thiên tai.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tích cực giảm mặt bằng lãi suất cho vay

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều ngày 21/9, tại Hà Nội, bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thông tin: Ngân hàng đã không ngừng nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong 8 tháng đầu năm 2024. Tính đến ngày 31/8/2024, tổng tài sản của SHB đạt 662 nghìn tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 500 nghìn tỷ đồng.

Trong hoạt động tín dụng, SHB luôn bám sát các chỉ thị của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, hướng nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực có tính chất động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tài trợ vốn cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, các dự án nhà ở, xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương. Trong 8 tháng đầu năm, SHB đã cung ứng 312 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế, dư nợ cấp tín dụng đạt 466 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 6,8% so với cuối năm 2023.

Dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên phát triển như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN SME tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ (cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 33% trên tổng dư nợ, cho vay DN SME chiếm tỷ trọng 31% trên tổng dư nợ KHDN ).

bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) phát biểu tại Hội nghị- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) phát biểu tại Hội nghị- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, SHB cho rằng đây nhiệm vụ rất cần thiết, thiết thực trong giai đoạn hiện nay và bản thân SHB cũng đánh giá đây là giải pháp phù hợp để phát triển hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của ngân hàng. Trong năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, SHB đã liên tục có 21 lần giảm mặt bằng lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, SHB cũng triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân như: thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng từ 1-3%, cung cấp các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng hạn mức 60 nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực (SME, FDI, XNK…), cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, cấp thêm hạn mức tín dụng.

Ngoài việc giảm lãi suất, SHB cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và DN như: cải cách, rút gọn các thủ tục hành chính, cung cấp các giải pháp tài chính, tài trợ tín dụng theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm nền tảng công nghệ số … từ đó giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận tiện, nhanh chóng.

SHB đã ban hành sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ (gốc, lãi) thay vì người vay phải đến trụ sở ngân hàng; cho vay các mô hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao, giúp người dân và DN rút ngắn thời gian sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí giao dịch và quản lý dòng tiền…

Bên cạnh các chương trình tín dụng riêng, SHB tích cực tham gia các chương trình tín dụng của NHNN như: Chương trình hỗ trợ lãi suất; gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành riêng cho khách hàng lĩnh vực lâm sản, thủy sản với số dư cam kết theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng là 2.200 tỷ đồng (số tiền đã giải ngân là 1.084 tỷ đồng); tài trợ vốn cho các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội, cho vay công nhân tại các khu công nghiệp mua nhà ở.

Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) thông tin: Kết thúc 8 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của LPBank đạt 43.998 tỷ đồng tương đương tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 15,97%. Đây là mức tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cho vay tiêu dùng, LPBank đã triển khai các gói ưu đãi.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, LPBank đã giảm lãi suất cho hơn 150.000 khách hàng với mức lãi suất giảm đến 3,5% so với đầu năm và tổng số dư nợ đã được giảm lãi suất là hơn 100.000 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, còn có các Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất cố định đối với khách hàng DN vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn và KH xuất nhập khẩu với quy mô 9.000 tỷ đồng... với mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm. Kết quả hiện tại đã có gần 900 khách hàng được hưởng lợi từ Chương trình này.

Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kiến nghị giải pháp DN hồi phục, kích thích nền kinh tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc LPBank cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hiệu quả.

Thứ nhất, cần ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể về Tín chỉ carbon hoặc các lợi ích cụ thể đối với khách hàng khi tham gia Tín dụng xanh.

Thứ hai, đối với các cá nhân, hộ gia đình, DN chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua (Bão Yagi), LPBank đề xuất Chính phủ, NHNN có thêm các chính sách hỗ trợ như Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ giảm lãi suất … để các cá nhân, DN ổn định lại cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phân tích về những thách thức, Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng chưa đạt được kế hoạch như: Sức ép từ thị trường quốc tế và lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào vẫn gia tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và tiêu dùng, tạo ra rào cản lớn đối với nhu cầu vay vốn từ các DN và người dân; khả năng hấp thụ vốn của DN còn yếu...

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm, SHB đã có những chiến lược, giải pháp cụ thể, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, các chỉ thị và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

SHB sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng và giải ngân vốn, trong đó tập trung cho các khách hàng có lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như nông nghiệp, chế biến và công nghiệp phụ trợ, xây dựng công trình nhà ở... Hỗ trợ người tiêu dùng vay vốn bằng các sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống đa dạng, linh hoạt trên nền tảng số hóa và vay trực tuyến, giúp khách hàng tiếp cận vốn tín dụng nhanh chóng, góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước.

Ngân hàng sẽ triển khai các sản phẩm tín dụng riêng biệt, trong đó có các chính sách ưu tiên như giảm lãi suất, hạn mức tín dụng cho DN trong các ngành sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, giúp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài.

Cần tăng cường tham gia các chương trình liên kết DN, trong đó SHB sẽ luôn là cầu nối trong việc kết nối các DN sản xuất trong nước với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này giúp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Đặc biệt, cơn bão số 3 vừa qua và mưa lũ sau bão đã và đang gây ra những ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh thành phố trong cả nước. Ngay lập tức, SHB đã có chỉ đạo toàn hệ thống, đặc biệt là các chi nhánh, phòng giao dịch tại địa bàn chủ động liên hệ đến từng khách hàng cập nhật tình hình. Ngân hàng cam kết triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất, cùng các giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ, cấp thêm vốn tín dụng để khách hàng có nguồn tài chính khôi phục sản xuất kinh doanh, người dân ổn định đời sống sau bão lũ.

Với tâm thế đồng hành cùng DN, nghiêm túc thực hiện và bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Tổng Giám đốc SHB đề xuất một số giải pháp, kiến nghị.

Theo đó, cần thực hiện các Chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất ngành nhằm hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão.

Cần có các chương trình, gói kích cầu tiêu dùng nhằm thúc đẩy sức mua của thị trường.

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý, phê duyệt các dự án tồn đọng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các dự án sớm đi vào hoạt động.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cùng với sự đồng lòng, nỗ lực của các DN và người dân, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. SHB cam kết đồng hành, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cùng hệ thống ngân hàng nỗ lực hết mình vì sự phát triển bền vững của đất nước", Tổng Giám đốc SHB bày tỏ.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ngan-hang-tich-cuc-ho-tro-dn-hoi-phuc-sau-thien-tai-102240921231802592.htm