Chính phủ trình 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp.HCM
Quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; thu hút nhà đầu tư chiến lược... là những nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp.HCM được Chính phủ trình.
Chiều 12/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh.
Trình bày tờ trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Góp phần xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết bao gồm 12 Điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và thành phố Thủ Đức.
Tại dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về: Quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của thành phố; tổ chức bộ máy Tp.Thủ Đức.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực, trường hợp các chương trình, dự án và các đối tượng khác được cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện theo các cơ chế, chính sách được quy định Nghị quyết này chưa kết thúc thì được tiếp tục triển khai theo các quyết định đã ban hành hoặc theo quy định pháp luật tại thời điểm đó.
Trên cơ sở tờ trình này, Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết để xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV theo quy trình thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp.
Báo cáo tóm tắt thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, ngoài những quan điểm nêu trong tờ trình, việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý một số quan điểm và nguyên tắc cơ bản:
Các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ì trong thực hiện các định hướng thời gian qua; song tuyệt đối không lợi dụng việc xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm.
Đồng thời, chính sách mới cần “mang tính đột phá”, “vượt trội” theo đúng tinh thần Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81 của Quốc hội; song cũng cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí…
Để tiếp tục hoàn thiện, Thường trực Ủy ban tài chính ngân sách cho rằng, một số vấn đề cần cân nhắc, cụ thể như: Tờ trình cần làm rõ, với phạm vi chính sách như trong Dự thảo thì đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa.
Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.
Đối với những chính sách chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ về nội hàm, có thể dẫn đến vướng mắc pháp luật thì không nên quy định.
Cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31.
Thường trực Ủy ban tài chính ngân sách đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu hợp lý, khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách. Đề nghị bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm…