Chính phủ trình Quốc hội Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Sáng 20-6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Đại tướng Tô Lâm cho biết, luật điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ lực lượng công an.

Cùng với đó, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình

Theo số liệu khảo sát đến nay, trong toàn quốc có 70.867 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các nhiệm vụ mà lực lượng công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT cũng như thay đổi tên gọi của lực lượng này để phân biệt với tên gọi của các chức danh công an xã chính quy và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm ANTT đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật.

Thực tế hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến. Đa số các vụ, việc có liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng công an xã bán chuyên trách trước đây, bảo vệ dân phố, dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.

Chủ nhiệm Ủy ban QPAN nêu rõ, do nội dung dự thảo luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân và một số lực lượng khác có liên quan ở cơ sở, nên đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi khi áp dụng luật.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, có ý kiến đề nghị việc sắp xếp, kiện toàn các lực lượng này cần phải quán triệt nguyên tắc không làm tăng biên chế và ngân sách nhà nước, không phát sinh thủ tục hành chính, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khác ở cơ sở hiện nay và cần làm rõ thêm các số liệu chứng minh điều này.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo ANTT ở cơ sở, một số ý kiến cho rằng dự thảo luật quy định các nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là rộng và “nặng” so với vị trí, chức năng là lực lượng tham gia, hỗ trợ lực lượng công an chính quy trong hoạt động bảo đảm ANTT, nhiều nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về pháp luật, có chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ nhất định.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật và đề nghị quy định chi trả phụ cấp hàng tháng (hoặc hàng quý) đối với Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ ANTT; ý kiến khác đề nghị chỉ quy định một số điều kiện, chế độ, chính sách thực sự cần thiết, phù hợp với khả năng bố trí kinh phí của trung ương, của từng địa phương và chỉ chi cho các hoạt động trực tiếp của lực lượng này. Ủy ban QPAN đề nghị đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích được người dân tham gia, phù hợp với khả năng chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước làm cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định.

Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí với quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-post694368.html