Chính phủ vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm, Tổng thống Macron thoát sóng gió bủa vây?
Việc chính phủ Pháp vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ám chỉ Tổng thống Emmanuel Macron có thể đã thoát khủng hoảng chính trị trước mắt. Song, nhiều thách thức với ông dường như khó tiêu tan.
Sau nhiều tuần vấp phải sự phản đối và tranh luận gay gắt, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm 16/3 thông báo, Chính phủ sẽ viện dẫn điều 49.3 trong Hiến pháp để thực hiện kế hoạch cải cách chế độ hưu trí mà không cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Phe đối lập sau đó đã đệ trình 2 kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ.
Trong các cuộc bỏ phiếu ngày 20/3, Hạ viện Pháp đã bác bỏ kiến nghị đầu tiên do liên minh LIOT trung dung đưa ra và được phe cánh tả ủng hộ, với chênh lệch chỉ 9 phiếu. Sau đó, kiến nghị thứ hai do đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc của bà Marine Le Pen đưa ra cũng bị bác bỏ do chỉ có 94 phiếu ủng hộ bất tín nhiệm trong tổng số 577 nghị sỹ Hạ viện.
Kết quả trên đồng nghĩa dự luật tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, từ 62 tuổi lên 64 tuổi, chính thức được phê duyệt và sẽ được triển khai. Giới quan sát đánh giá, Tổng thống Macron đã thắng trong “ván cược” này.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist, sự bất mãn chính trị rất khó tiêu tan. Bản thân kế hoạch cải cách đã không nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, khi tới 2/3 số người Pháp vẫn kiên quyết phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu, theo các cuộc thăm dò dư luận.
Trong 6 tuần tranh luận tại quốc hội, các cuộc tuần hành phản đối và đình công của nhân viên đường sắt, những người thu gom rác và người lao động trong các lĩnh vực khác diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố trên khắp đất nước. Không có lập luận nào của chính phủ, từ mối đe dọa thâm hụt ngân sách trong tương lai tới nhu cầu bảo vệ hệ thống, có thể giúp làm giảm bớt sự chống đối này.
Việc chính quyền Macron viện dẫn điều 49.3 càng khiến nhiều người tức giận. Tới 78% số người được hỏi phản đối chính phủ sử dụng công cụ này. Họ cáo buộc đây là hành động “lạm dụng quyền lực".
Dẫu vậy, chính quyền Macron không phải là chính quyền đầu tiên sử dụng điều 49.3. Được tạo ra nhằm củng cố quyền lực của chính phủ và ngăn chặn bất ổn, điều khoản này đã được cựu Tổng thống Charles de Gaulle lúc đương nhiệm đưa vào Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ 5. Bản thân ông De Gaulle đã viện dẫn điều khoản vào năm 1960 để khởi động chương trình răn đe hạt nhân của Pháp. Kể từ đó, điều 49.3 đã được các chính phủ cánh tả và cánh hữu của Pháp sử dụng tới 100 lần.
Chính quyền Macron vẫn giữ quan điểm rằng cải cách hưu trí là cần thiết cho Pháp, trong bối cảnh đất nước đang phải chi 14% GDP cho lương hưu, gần gấp đôi mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Do tuổi thọ cao hơn, số người nhận lương hưu ở Pháp đã tăng từ 13 triệu người năm 2004 lên 17 triệu người năm 2020.
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những chính sách ông Macron đã theo đuổi từ khi còn vận động tái tranh cử tổng thống năm 2022. Ông cùng chính phủ của mình đã cố gắng đạt được sự đồng thuận của các nhà lập pháp.
Thủ tướng Borne đã mất nhiều tháng tham khảo ý kiến của các công đoàn và lãnh đạo phe đối lập, đồng thời soạn thảo lại luật với những nhượng bộ mới. Quốc hội cũng dành 175 giờ để tranh luận về vấn đề này, một phần để giải quyết khoảng 13.000 kiến nghị sửa đổi nhằm ngăn chặn bất kỳ tranh cãi nào.
Tuy nhiên, cải cách rốt cuộc vẫn không được thông qua theo thủ tục nghị viện thông thường. Tình tiết này được tin sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Tổng thống Macron. Theo công ty thăm dò ý kiến Ifop, tỉ lệ tín nhiệm dành cho ông Macron hiện giảm xuống chỉ còn 28% từ mức cao 41% sau tái đắc cử. Đây là mức tín nhiệm thấp nhất kể từ đầu năm 2019, thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình bạo loạn của phong trào Áo vàng chống chính phủ.
Giới quan sát nhận định, khi các cuộc biểu tình phản đối tăng tuổi hưu vẫn tiếp diễn ở Pháp, tình trạng bất ổn có thể không ngừng lan rộng. Và những gì vừa trải qua có thể chỉ là khởi đầu cho cơn bão chính trị đang kéo đến bủa vây ông Macron.