Chính phủ xác định tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân
Một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025 được Chính phủ xác định là huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, có nhiệm vụ xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt. Đây là thông tin được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 8/1.
Tình hình phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn
Các báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 8/1 cho biết, năm qua, tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) chuyển biến tích cực hơn, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 vẫn đạt mức cao với 233.419 DN, gấp 1,2 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Số DN quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 76.179 DN, vượt mức 70.000 DN tái gia nhập thị trường trong một năm. Số vốn đăng ký bổ sung của DN đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt 2.025.854 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023. Khoảng 77,3% DN đánh giá tình hình kinh doanh trong quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024, cho thấy niềm tin của DN vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Các chính sách, chương trình hỗ trợ DN được triển khai hiệu quả, nhất là DN nhỏ và vừa. Mạng lưới tư vấn cho DN nhỏ và vừa tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN được chủ động nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai hiệu quả, đạt được một số kết quả nổi bật; đã đào tạo trực tiếp cho gần 14.200 DN và hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho khoảng 390 DN nhằm xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cải tiến vào quy trình quản trị, sản xuất của DN.
Tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024, trong đó nêu rõ năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Chúng ta phải “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu phát triển KT-XH của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2026 - 2030.
Với chủ đề của năm 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể để hướng đến các mục tiêu, chỉ tiêu.
Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025. Trong đó, có nhóm nhiệm vụ, giải pháp là huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DN nhà nước, phát triển mạnh DN tư nhân. Triển khai quyết liệt các giải pháp để huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay trong và ngoài nước, nguồn lực hợp tác công - tư và các nguồn hợp pháp khác để đẩy nhanh đầu tư các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa. Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của DN nhà nước một cách toàn diện, bền vững, tương xứng với nguồn lực nắm giữ; tập trung rà soát, sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 theo hướng giảm chi phí cho DN, hạn chế cơ chế “xin - cho”, xử lý triệt để những vướng mắc về đầu tư vốn tại DN. Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng; phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%; ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển DN dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt và Đề án phát triển DN nhỏ và vừa.
Trước đó, chiều 7/1, tới dự và phát biểu tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa Xuân 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kỳ vọng thời gian tới, Chính phủ tiếp tục sẽ nhận được những đóng góp quý báu và thực chất của các doanh nhân, DN, nhà khoa học, nhà quản lý trong xây dựng đất nước, xây dựng nền kinh tế nước ta phát triển bước sang kỷ nguyên mới là kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, hùng cường.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Trong đó, về hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2024, đã hoàn thiện sửa đổi một số luật. Nổi bật, Chính phủ đã trình Quốc hội 1 luật sửa 4 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu); 1 luật sửa 9 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia...) để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, phát huy nguồn lực để phát triển. Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để tạo bước đột phá lớn hơn, mạnh hơn.