Chinh phục Chư Đang Ya - bước chân trên miệng hỏa ngục
Chư Đang Ya là ngọn núi lửa dường như 'không tắt' suốt hàng ngàn năm qua khi mà sự sống từ hoạt động canh tác hoa màu của người dân quanh chân núi
Từ 11 đến 13/11/2022, Ủy ban nhân dân huyện Chư Păh tổ chức Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2022 tại làng Ia Gri, khu vực Núi lửa xã Chư Đang Ya, Chư Pảh, Gia Lai.
Tối 11/11, nghi lễ khai mạc sự kiện này diễn ra tại sân nhà Rông làng Ia Gri kèm với chương trình nghệ thuật với nhiều nội dung, hình thức tổng hợp đặc sắc. Vòng múa xoang bên chân núi lửa với sự tham gia của hàng ngày du khách, người dân địa phương.
Đi trên miệng "hỏa ngục" Chư Đang Ya
Núi lửa Chư Đang Ya lọt vào danh sách 10 miệng Núi lửa đẹp nhất thế giới do độc giả tạp chí Anh quốc bình chọn năm 2018 khiến công chúng bừng tỉnh: Tây Nguyên có một nơi đẹp hoang dã đến thế tại sao chưa thể phát triển du lịch?
Bức ảnh núi Chư Đăng Ya của Nguyễn Ngọc Hòa được chọn vào top 50 ảnh đẹp nhất cuộc thi Landscape 2020 trên ứng dụng chia sẻ ảnh Agora một lần nữa tạo cảm hứng cho nhiều dự án kinh tế - du lịch - văn hóa diễn ra tại đây.
Chư Đang Ya là một ngọn núi lửa đã tắt nguội ở làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai. Nhìn từ trên cao, chiếc miệng hình phễu đặc trưng của một ngọn núi lửa trên nền địa chất bazan hầu như còn nguyên vẹn. Một phần vì khu vực này rất ít mưa, địa hình địa chất ổn định, người dân không có các hoạt động đô thị hóa hoặc làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực này.
Tháng 11 hằng năm, ngọn núi phủ đầy hoa dã quỳ vàng rực - và đây chính là lý do nó được phát hiện bởi các nhiếp ảnh gia và giới du lịch bụi. Các bức ảnh chụp sự sống diễn ra hằng ngày trên ngọn núi này gây "sốc cảm xúc" trong giới yêu thích địa lý và thiên nhiên. Người ta tìm đến với Chư Đăng Ya ngày một đông. Việc leo lên, đi quanh miệng núi lửa đã tắt không phải là cung đường khó, thậm chí rất dễ dàng. Nhưng cảm giác đi trên miệng "hỏa ngục" đã tắt chính là thứ kích thích du khách. Họ chơi đùa với mùa hoa dã quỳ, với sự hoang dã thú vị từ địa chất, địa mạo nơi này.
Đứng dưới Chư Đăng Ya nhìn lên, ngọn núi tựa như một chiếc bát úp, nhưng leo tới đỉnh, miệng núi lại mở ra một thung lũng lớn. Giữa bốn bề vách núi vuốt ngược lên là một lòng chảo tuyệt đẹp thấp thoáng những đóa hoa dã quỳ vàng rực. Hiện, địa phương đã đặt ở điểm cao nhất trên núi một phiến đá đánh dấu tọa độ và đường lên núi thì đặt các ghế đá để du khách nghỉ chân. Ngoài ra, cảnh quan không bị sức ép dân cư, và các mùa vụ hoa màu được bà con canh tác bình thường.
Quả thực, Chư Đang Ya xứng đáng là một kỳ quan thiên tạo của lòng đất, quanh năm rát bỏng trong cái nắng nung người của Tây Nguyên. Miệng núi giống hệt một cái sân giác đấu của Châu Âu thời trung cổ với mặt sân phẳng lỳ và tròn vạnh, bao quanh là thành núi dựng đứng 45 độ nghiêng. Trong tiếng Bahnar, chư đang ya là củ gừng dại, vì vậy rất có thể tên ngọn núi xuất phát từ tên của loại gừng mọc nhiều trên ngọn núi này.
Miệng núi lửa tắt từ ngàn năm trước vẫn tiếp diễn nguồn sống sinh sôi từng mùa dưới nhiệt độ bỏng cháy của Tây Nguyên. Ở nơi dòng nham thạch chảy ra tràn xuống núi, một cánh đồng màu mỡ được bồi đắp trải rộng xuống chân núi. Du khách tới đây không chỉ được khám phá thiên nhiên kì diệu, còn chứng thực sự chinh phục thiên nhiên ngoạn mục của con người.
Chư Đang Ya mùa hoa dã quỳ. Ảnh: TTH
Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2022
Lễ hội hoa dã quỳ núi lửa Chư Đang Ya bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, du lịch bao gồm trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng… Chương trình diễu hành trình diễn cồng chiêng với chủ đề "Cồng chiêng Âm vang đại ngàn" thu hút nhiều nghệ nhân, người dân của chính làng người Banar tại đây tham gia.
Ngoài ra còn có biểu diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc của các nghệ nhân đến từ 14 xã, thị trấn trên địa bàn. Du khách được tìm hiểu và trải nghiệm về nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, các vật dụng sinh hoạt phục vụ đời sống sinh hoạt của dân tộc Jrai, Bahnar.
Phục dựng Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Jrai trong hệ thống nghi lễ nông nghiệp của người Jrai được tổ chức trong lễ hội. Đây là một trong những nghi lễ được coi là quan trọng nhất để tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho họ một mùa bội thu. Đồng thời, cầu xin thần linh sẽ tiếp tục phù hộ cho họ trong mùa vụ tiếp theo được mưa thuận, gió hòa. Nghi lễ được các nghệ nhân phục dựng lại nguyên bản tại sân nhà Rông làng Ia Gri, dưới chân núi lửa Chư Đang Ya, xã Chư Đang Ya vào ngày 12/11/2022.
Để thích hợp với du khách mùa lễ hội, có nhiều hoạt động thể thao, trò chơi dân gian như: bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, nhảy bao bố, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đi xe đạp chậm… múa sạp dân gian.
Đặc biệt là du khách được thi chinh phục đỉnh Núi lửa Chư Đang Ya: đi bộ, leo núi ngắm cảnh, cắm trại, tổ chức các trò chơi nhóm, hoạt động dã ngoại…
Hoạt động Dù lượn trên Núi lửa Chư Đang Ya với sự tham gia của các Câu lạc bộ Dù lượn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng bay dù từ đỉnh Núi lửa Chư Đang Ya; Núi Chư Nâm ngắm Hoa Dã Quỳ và ngắm cảnh thành phố Pleiku và các vùng lân cận từ trên cao.
Trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ Hoa dã quỳ Chư Đang Ya, có các chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề "Đêm hội nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên" với phần trình diễn các nhạc cụ dân tộc truyền thống Tây Nguyên của các câu lạc bộ, các ban nhạc, nhóm nhạc các đoàn nghệ thuật. Sản vật địa phương được dịp trình diễn gồm: cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, măng khô, rau sạch, cá thát lát sông Sê San, nấm, mật ong, các sản phẩm nông nghiệp địa phương, các sản phẩm đặc sản của Chư Đang Ya: Miến dong riềng, bột dong riềng, khoai lang Chư Đang Ya và các sản phẩm chế biến từ khoai lang như khoai lang chiên, nướng, sấy, luộc; món ăn đặc sản của địa phương: Cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì, cà đắng, thịt nướng.
Và một phần không thể thiếu là việc trưng bày ảnh đẹp, tượng gỗ và nhạc cụ dân tộc. Rất nhiều bức ảnh nghệ thuật chụp ngọn núi lửa đã khiến danh tiếng về cảnh quan này vang danh khắp thế giới và được nhiều người biết đến. Đây những tác phẩm ảnh lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ngoài ra còn nhiều bức ảnh ghi lại nét đẹp văn hóa truyền thống, lễ hội, tín ngưỡng, cảnh quan thiên nhiên, con người, món ngon, đặc sản ẩm thực, các điểm du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Chư Păh của tỉnh Gia Lai.
Đồng thời, lễ hội trưng bày những bức tượng gỗ dân gian, nhạc cụ dân tộc truyền thống được điêu khắc, được tạo ra từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân người Jrai, Bahnar đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chư Păh. Trưng bày những tác phẩm văn hóa, lịch sử, sách hay về Gia Lai.