Chinh phục 'miền đất hứa'

Thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những thay đổi quan trọng trong chính sách nhập khẩu hàng nông sản từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam; đồng thời siết chặt hoạt động buôn bán tiểu ngạch.

Bưởi là loại trái cây đang trong quá trình đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh MINH HÀ)

Bưởi là loại trái cây đang trong quá trình đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh MINH HÀ)

Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp nước ta phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng trên cơ sở nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tiến sâu hơn nữa vào con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Thay đổi để thích ứng

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, Trung Quốc đưa ra năm yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang thị trường này. Đó là phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; phải lưu trữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại.

Đối với các cơ sở đóng gói, cần thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt, không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác và phải được áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký…

Tuy nhiên hiện nay, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới chủ yếu thực hiện đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều đối với những sản phẩm có khối lượng lớn như lúa, cà-phê, hồ tiêu, chè…, trong khi Trung Quốc ngày càng tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thậm chí, phía Trung Quốc còn đưa ra những yêu cầu vô cùng tỉ mỉ, cụ thể như: Khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và phải có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải bảo đảm vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật.

Riêng vật liệu đóng gói bằng gỗ tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật số 15 liên quan các yêu cầu đối với bao bì gỗ được vận chuyển qua các ranh giới quốc tế (ISPM 15). Ngoài ra, nếu lô hàng nào không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Khi phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan

TS Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật) nhấn mạnh.

Chính vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng nhất hiện nay đối với ngành nông nghiệp là phải đẩy mạnh việc quy hoạch vùng trồng, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Tính đến hết tháng 11/2022, đối với thị trường Trung Quốc, cả nước đã cấp 2.074 mã số vùng trồng (185.733,83ha) thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, sầu riêng, thạch đen phục vụ xuất khẩu; cấp 1.383 mã số cơ sở đóng gói.

Thời gian qua, các địa phương có sản phẩm cây trồng chủ lực xuất khẩu cũng đã nỗ lực trong triển khai yêu cầu này. Riêng đối với trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói trên cả nước, trong đó tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng được phê duyệt của cả nước) và 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng (chiếm 17,3% mã cơ sở đóng gói của cả nước).

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, thời gian tới các doanh nghiệp, đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cũng vẫn phải tiếp tục chủ động cập nhật, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung thông tin kịp thời để bảo đảm đáp ứng đúng, đủ những yêu cầu từ phía Trung Quốc, vì chắc chắn phía bạn sẽ tăng cường kiểm tra rất nghiêm ngặt mức độ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc, nhất là trong điều kiện họ đã hủy bỏ tất cả biện pháp giám sát, xét nghiệm axit nucleic phát hiện vi-rút SARS-CoV-2 đối với các mặt hàng thực phẩm bảo quản chuỗi lạnh và hàng hóa không bảo quản lạnh nhập khẩu ở các cửa khẩu từ ngày 8/1/2023.

Cần sự đồng hành từ nhiều phía

Việc triển khai thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất, xuất khẩu nông sản theo quy định của thị trường Trung Quốc đang là yêu cầu quan trọng đối với các ngành hàng nông sản của Việt Nam hiện nay, nếu muốn chinh phục hiệu quả “miền đất hứa” với dân số đông và sức mua rất lớn này.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, để thực hiện tốt các tiêu chuẩn không dễ vì cần nhiều điều kiện như: Chi phí xây dựng tiêu chuẩn, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý khác; đủ thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, lập và lưu trữ hồ sơ, đánh giá lại hoạt động đã thực hiện, cập nhật thông tin... Để giải quyết tốt các vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, nhà tư vấn, nhà phân phối và nhà nông.

Cụ thể, Nhà nước cần nhất quán về chính sách với những quy định xuyên suốt giữa các bộ, ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tạo về tiêu chuẩn; nhà tư vấn hỗ trợ tư vấn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, đào tạo, huấn luyện cách làm; nhà phân phối tìm hiểu khách hàng để định hướng đầu ra, chia sẻ và minh bạch lợi ích với nhà nông; nhà nông cần đẩy mạnh liên kết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đi cùng lợi ích để tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.

Bà Hồ Đức Minh - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát cho biết: Vạn Xuân Phát là 1 trong 25 nhà đóng gói được cấp mã số đóng gói xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, sản phẩm phải đáp ứng tốt cả tiêu chuẩn pháp lý như nội dung các Nghị định thư xuất khẩu, Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; đồng thời cũng phải đáp ứng tốt nhất tiêu chuẩn thị trường như: Ngon hơn, giá tốt hơn, tiện lợi hơn, thì nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ để tạo ra giá trị gia tăng vượt trội. Với trái sầu riêng, công ty thực hiện minh bạch trong canh tác, sản xuất bằng nhật ký và chịu sự kiểm tra, giám sát theo đúng quy định.

Tuy nhiên, không phải lúc nào sự liên kết này cũng thuận lợi.

Triển khai xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, công ty đã xây dựng các vùng trồng tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… Phía công ty cũng hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng miễn phí, hỗ trợ thực hiện các tiêu chuẩn để vùng trồng đạt chứng nhận VietGAP, đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình liên kết sản xuất-tiêu thụ vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp không có cơ sở đóng gói thông báo mua giá cao hơn, gây nhiễu thông tin mua bán của công ty với các nông hộ. Hệ quả rất dễ dẫn đến là tình trạng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói của công ty bị mạo danh. Chính vì vậy, công ty mong muốn nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc liên kết với nông dân, hợp tác xã.

Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T Group) Nguyễn Văn Phú chia sẻ

Để giải quyết vấn đề này, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đề nghị chính quyền địa phương đẩy mạnh xây dựng kế hoạch phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; mô hình liên kết các bên sản xuất-thu mua; đồng thời có cơ chế phối hợp Cục Bảo vệ thực vật khi phát hiện cạnh tranh không lành mạnh, gian lận mã số vùng trồng.

Ngoài ra, để bảo vệ các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đã được cấp còn phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mã không đúng quy định, nhất là vấn đề dễ xảy ra như vượt quá sản lượng, công suất thực tế, gây ảnh hưởng chất lượng và uy tín của nông sản Việt khi xuất sang thị trường Trung Quốc.

Thời gian qua, Trung Quốc đã sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, cụ thể như tiêu chuẩn GB 2763-2021 (quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục 376 thực phẩm). So với tiêu chuẩn GB 2763-2019, số lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại (tăng 16,7%); giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại (tăng 42%).

Thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc. Do đó, để đáp ứng các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP (Mục 3, Điều 5, Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc).

Tin liên quan

Đón thời cơ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

ÁNH TUYẾT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-2-chinh-phuc-mien-dat-hua-post736114.html