Chinh phục thị trường châu Âu
Cuối cùng, sau gần 10 năm, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) đã chính thức được ký kết vào ngày 30/6 vừa qua.
Tiếp sau việc thực thi Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (PCA), hai Hiệp định này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như củng cố quan hệ thương mại và đầu tư, từ đó tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Là thỏa thuận thương mại tự do nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU ký với một nền kinh tế mới nổi, Hiệp định EVFTA và IPA được xây dựng dựa trên cam kết chung của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế theo hướng mở cửa, công bằng và tuân thủ luật lệ. Các Hiệp định này cũng sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia của EU với khu vực Đông Nam Á, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và EU nhằm hướng tới quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn giữa hai khu vực.
Có lẽ, trong số 12 Hiệp định mà Việt Nam đang đàm phán và ký kết, EVFTA là Hiệp định trải qua nhiều chặng đường sóng gió nhất. Chính bởi vậy, đây là sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như DN thuộc 28 nước EU mong chờ nhất những ngày qua. Không chỉ có những lợi thế về thuế quan khi gần như 100% dòng thuế được đưa về 0, EVFTA còn mang đến những sự thay đổi, luồng gió mới cho vấn đề an sinh xã hội. Bởi, theo như nhận định của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thời điểm hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 65% lao động là nông dân, đang có thu nhập trung bình chưa đầy 1.000 Eur/năm. Hiệp định thương mại EVFTA sẽ mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục triệu lao động. “Hiệp định thương mại EVFTA không chỉ mang lại lợi ích cho hàng chục vạn doanh nghiệp mà còn mang lợi ích với hàng chục triệu người dân”- Chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh như vậy khi phân tích về EVFTA.
Những lợi ích hay hàng loạt các cơ hội mà EVFTA mang lại là rất rõ ràng, không còn phải bàn luận nhiều nữa. Song, một vấn đề mà mà chúng ta không thể bỏ qua, đó là chúng ta đã lường trước được những khó khăn, thách thức khi thực thi các quy định trong Hiệp định này? Không ít ý kiến cho rằng, vấn đề “hóc búa” của Việt Nam không phải là thuế khi tham gia vào thị trường châu Âu, mà khi vào châu Âu, những rào cản thương mại mới là khó khăn nhất, chứ không phải câu chuyện về thuế.
Thừa nhận rằng, với 28 nước thành viên có tổng dân số đạt khoảng 512 triệu dân, EU trở thành khu vực có nhu cầu nhập khẩu lớn các loại hàng hóa, đặc biệt là nông sản từ khắp các nước trên thế giới. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Song, châu Âu chưa bao giờ là thị trường “dễ chinh phục”. Có thể chúng ta nhìn thấy con số 100% dòng thuế được đưa về 0% là tín hiệu vui, nhưng đổi lại, những quy chuẩn mà thị trường này đưa ra sẽ vô cùng khắt khe và đó là những thử thách quan trọng mà mỗi DN cần phải nhìn rõ.
Hẳn nhiều DN xuất khẩu Việt Nam đã rất “thấm đòn” khi hàng loạt các lô hàng xuất khẩu của chúng ta không được bên EU tiếp nhận chỉ vì vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư thuốc thú y, ô nhiễm vi sinh... Và ngay ở thời điểm hiện tại, “tấm thẻ vàng” IUU (về vấn đề khai thác hải sản có trách nhiệm) vẫn còn đang “treo lơ lửng”. Và con số 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị EU và các thị trường nhập khẩu trả về trong năm 2018 cũng là một minh chứng rõ ràng cho thấy rào cản vào thị trường EU là không hề nhỏ.
EU vốn đã từng là một đối tác tiềm năng của Việt Nam nay lại càng trở nên quan trọng hơn khi EVFTA đã chính thức được ký kết. Đây là hiệp định được đánh giá sẽ tạo bước ngoặt lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường với hơn 500 triệu dân này. Song, các DN Việt Nam chưa thể ung dung với trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật cũng như năng lực quản trị hiện nay. Mà điều quan trọng trước nhất phải là khả năng nâng sức cạnh tranh từ chính chất lượng sản phẩm, hay nói cách khác, DN phải nỗ lực hơn nữa để tuân thủ các quy định, quy chuẩn khắt khe được đưa ra trong EVFTA. Khi đáp ứng được những yêu cầu về rào cản kỹ thuật tại thị trường khó tính này, việc chúng ta đưa hàng hóa sang các thị trường khác trên thế giới là trong tầm tay.
Chính bởi vậy, không phải vì thị trường EU quá khắt khe mà nản lòng, ngược lại, đây lại chính là động lực để cộng đồng DN Việt Nam tìm cách nâng sức cạnh tranh. Câu chuyện về thẻ vàng IUU là minh chứng rõ nét cho điều này: IUU có thể gây tổn hại về tài chính, gây không ít khó khăn sóng gió cho DN Việt, song đổi lại, chính IUU đã mang lại cho các DN những kinh nghiệm, bài học quý báu về việc sản xuất có trách nhiệm. Và IUU là bài học xương máu để chúng ta có thể chinh phục thị trường châu Âu.