Chinh phục thị trường Hoa Kỳ: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam
Khi con thuyền Việt Nam ra khơi, Hoa Kỳ là một trong những đích đến. Trên chặng đường ấy, những cánh buồm kiên định và biết đón gió sẽ cán đích và mở ra chân trời rộng lớn chưa từng thấy...
Hoa Kỳ - đích đến của hàng Việt
Với vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là quốc gia nhập khẩu hàng hóa số một toàn cầu, Hoa Kỳ tiêu thụ mỗi năm gần 4 nghìn tỷ USD hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Tiêu dùng nội địa chiếm từ 60 đến 70% GDP Hoa Kỳ, trải rộng trên mọi lĩnh vực từ thực phẩm, dược phẩm, may mặc, điện tử, đến thiết bị gia dụng và xe hơi. Đây vừa là một cơ hội vàng với bất kỳ quốc gia nào muốn khai thác thị trường tiêu dùng này, trong đó có Việt Nam.
Sự phong phú trong nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mỹ mở ra khả năng thâm nhập mạnh mẽ cho hàng hóa Việt Nam. Theo số liệu thống kê, trong năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt trên 122 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 97 tỷ USD - một con số ấn tượng cho thấy vị thế ngày càng vững chắc của hàng hóa Việt tại thị trường này. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện tử, thủy sản, nông sản và gỗ... không chỉ đứng vững mà còn khẳng định được chất lượng và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Hàng Việt Nam đã khẳng định được chất lượng và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế
Nhưng, người trả tiền thường là bên quyết định "luật chơi". Hoa Kỳ gần đây đòi hỏi nhà xuất khẩu phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu ngày càng cao, quy định tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu rất khắt khe, khuyến khích cạnh tranh khốc liệt về giá cả và thương hiệu. Thị trường Hoa Kỳ hiện nay không còn đơn thuần là nơi để bán hàng, mà trở thành "sân khấu" để hàng Việt khẳng định vị thế, nơi mà mọi chiến lược đều cần hội tụ ba yếu tố: năng lực sản xuất, giá trị thương hiệu và khả năng kết nối thương mại.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn từ chính sách thuế quan và rào cản thương mại từ các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ. Những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến phương thức sản xuất - kinh doanh và xây dựng thương hiệu mạnh để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.
Tùy theo mô hình kinh doanh, doanh nghiệp Việt có thể lựa chọn giữa hai hướng tiếp cận chính: B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp - người tiêu dùng). Mỗi mô hình mang theo những yêu cầu riêng biệt, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược rõ ràng.
Theo ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), với mô hình B2B thì sự chuyên nghiệp là điều bắt buộc. Để bán hàng cho các công ty nhập khẩu tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến: Chất lượng sản phẩm (tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc); giá cả cạnh tranh (doanh nghiệp cần định giá thông minh, đảm bảo lợi nhuận nhưng vẫn tạo lợi thế so sánh với các quốc gia khác; khả năng cung ứng ổn định (giao hàng đúng hạn, đúng số lượng là yếu tố then chốt để duy trì niềm tin đối tác).
Hiện nay, nhiều sản phẩm "Made in Vietnam" đã hiện diện tại các chuỗi bán lẻ lớn như Trader Joe’s, World Market hay HomeGoods Furniture. Đây là một minh chứng sống động cho giá trị thương mại của hàng Việt Nam trong mắt các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.
Còn đối với mô hình B2C thì chiến lược kinh doanh cần có sự khác biệt. Theo ông Marc Mealy, đối với thị trường người tiêu dùng, chiến lược phải đặt trọng tâm vào: Thứ nhất, xây dựng thương hiệu mạnh (không chỉ bán sản phẩm, mà còn bán niềm tin và câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm); Thứ hai, kể câu chuyện sản phẩm (người tiêu dùng Hoa Kỳ ngày càng yêu thích những thương hiệu có câu chuyện truyền cảm hứng, về nguồn gốc, quy trình sản xuất, đạo đức kinh doanh hay sứ mệnh cộng đồng); Thứ ba, chất lượng và giá cả (cả hai đều quan trọng, tùy thuộc vào phân khúc thu nhập mà sản phẩm hướng tới).
“Hiện nay, cách phổ biến nhất để người tiêu dùng Mỹ tiếp cận sản phẩm từ doanh nghiệp Việt là thông qua nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Để bán trực tiếp qua các nền tảng online, doanh nghiệp cần có 3 năng lực: nội dung hấp dẫn bằng tiếng Anh (có hình ảnh đẹp, mô tả rõ ràng), hệ thống giao hàng đáng tin cậy và khả năng thanh toán quốc tế linh hoạt”, ông Marc Mealy chia sẻ.
Sự hỗ trợ tích cực từ hệ thống xúc tiến thương mại
Để giúp doanh nghiệp Việt khai phá thị trường Mỹ một cách bền vững, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại New York… đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thực tiễn. Từ các hội chợ quốc tế, triển lãm chuyên ngành cho đến các chương trình kết nối B2B tại các thành phố lớn như New York, Chicago, Los Angeles, tất cả đều nhằm tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận trực tiếp với đối tác Hoa Kỳ.
“Đặc biệt, các đối tác uy tín như Amazon, WayFair hay USABC chính là cầu nối quý báu để doanh nghiệp Việt tiếp cận hệ sinh thái thương mại hiện đại, hiểu rõ xu hướng tiêu dùng mới và thích nghi nhanh với yêu cầu của thị trường”, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết.
Tuy nhiên, một trong những lợi thế chưa được khai thác triệt để là cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Với sự hiện diện đông đảo ở các bang như California, Texas, Washington và Virginia, người Việt không chỉ là người tiêu dùng trung thành với hàng hóa quê hương, mà còn là cầu nối văn hóa - ngôn ngữ - thương mại vô cùng quan trọng.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động xây dựng mối quan hệ chiến lược với các tổ chức, hiệp hội, cửa hàng gốc Việt để từng bước mở rộng mạng lưới phân phối, lan tỏa thương hiệu và tạo dựng lòng tin nơi người tiêu dùng Mỹ gốc Việt, vốn là nhóm khách hàng có sức mua ổn định và cảm tình đặc biệt với hàng Việt.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong hành trình hội nhập, nơi chất lượng và uy tín thương hiệu trở thành chìa khóa cạnh tranh thay cho lợi thế chi phí nhân công thấp. Chính phủ, thông qua các cơ quan đại diện tại Hoa Kỳ, cũng đang không ngừng đồng hành cùng doanh nghiệp, từ hỗ trợ pháp lý, quảng bá thương hiệu, đến kết nối đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, thành công cuối cùng vẫn nằm ở sự chủ động của từng doanh nghiệp, ở khả năng học hỏi, sáng tạo, kiên định chiến lược và dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Hoa Kỳ không chỉ là thị trường lớn, mà còn là bệ phóng toàn cầu. Chinh phục được người tiêu dùng này nghĩa là doanh nghiệp Việt đã chứng minh được chất lượng, bản lĩnh và tầm nhìn toàn cầu.