Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là đích đến

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, từ cận biên lên mới nổi, không phải là đích đến, mà là kết quả tự nhiên khi Việt Nam kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển cốt lõi nhằm hướng đến một TTCK phát triển công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại buổi tiếp và làm việc với đại diện Tổ chức FTSE Russell hôm nay 17/7 tại trụ sở Bộ Tài chính. Buổi làm việc là dịp quan trọng để hai bên trao đổi trực tiếp về tiến độ cải cách, định hướng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực thị trường vốn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao vai trò của FTSE Russell trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và thành viên thị trường nhằm kịp thời nhận diện bất cập trong cơ chế vận hành, thúc đẩy cải cách, nâng cao hiệu quả giám sát và xây dựng thị trường tài chính hiện đại, minh bạch, tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Những khuyến nghị, đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật của FTSE Russell đã và đang góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách thị trường vốn tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững và chất lượng cao trong giai đoạn 2025–2030. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng GDP đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước – một kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro phức tạp. Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên; tăng trưởng nhanh nhưng phải đi đôi với bền vững là định hướng xuyên suốt, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.

Để đạt được những mục tiêu chiến lược này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cho các dự án hạ tầng trọng điểm, tạo nền tảng kết nối, nâng cao năng suất và thúc đẩy phát triển vùng, ngành. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp để thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển nhằm thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ trong và ngoài nước phục vụ cho đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu.

Bộ trưởng nhận định, một thị trường chứng khoán phát triển thực chất chính là nền tảng để thu hút dòng vốn dài hạn.

“Nâng hạng TTCK Việt Nam, từ cận biên lên mới nổi, không phải là đích đến, mà là kết quả tự nhiên khi chúng tôi kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển cốt lõi nhằm hướng đến một TTCK phát triển công bằng, minh bạch và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Về phía FTSE Russell, đại diện đoàn công tác bày tỏ sự ấn tượng trước những nỗ lực cải cách toàn diện mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng vận hành thị trường vốn. Ông Gerald Toledano - Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu kiêm Giám đốc về giải pháp tùy chỉnh và sản phẩm thay thế toàn cầu nhấn mạnh, với tư cách là thành viên của Tập đoàn sở hữu sàn giao dịch London (London Stock Exchange Group), FTSE Russell dẫn đầu về hạ tầng định giá, vận hành và quản trị chỉ số toàn cầu, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cập nhật cơ sở hạ tầng thị trường vốn để thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư quốc tế. Đây là nền tảng vững chắc để FTSE Russell tiếp tục đồng hành lâu dài cùng Việt Nam cho đến năm 2045 – giai đoạn mà Việt Nam định hướng trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, có thị trường tài chính phát triển, minh bạch và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Ông Gerald Toledano - Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu kiêm Giám đốc về giải pháp tùy chỉnh và sản phẩm thay thế toàn cầu

Ông Gerald Toledano - Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu kiêm Giám đốc về giải pháp tùy chỉnh và sản phẩm thay thế toàn cầu

Phản hồi các kiến nghị từ FTSE Russell, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chia sẻ những nội dung quan trọng mà Bộ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang triển khai.

Về vấn đề tạo hàng cho TTCK, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, theo hướng công khai, minh bạch tỷ lệ sở hữu nước ngoài và loại bỏ các quy định không còn phù hợp, bao gồm quy định về việc Đại hội đồng cổ đông được quyết định về giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động chào bán và phát hành chứng khoán, qua đó, qua đó góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường, mở rộng quy mô vốn hóa và nâng cao tính hấp dẫn của thị trường đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Liên quan đến thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý và xóa bỏ những vướng mắc thực tiễn đang cản trở hoạt động đầu tư nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 17/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đang được lấy ý kiến rộng rãi, với nhiều nội dung cải tiến đáng kể, như: đơn giản hóa hồ sơ pháp lý, giảm yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự, cho phép linh hoạt hơn trong nhận diện khách hàng...

Bộ Tài chính cũng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt thông qua việc ứng dụng công nghệ số vào các quy trình xử lý hồ sơ, cấp phép và giám sát hoạt động thị trường. Việc triển khai nền tảng số sẽ giúp giảm đáng kể thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao mức độ tự động hóa và minh bạch hóa thông tin giữa cơ quan quản lý và các thành viên thị trường. Trải nghiệm suôn sẻ, minh bạch và nhất quán là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời là tiêu chí quan trọng trong quá trình FTSE Russell đánh giá thị trường.

Liên quan đến thị trường ngoại hối, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhằm bảo vệ giá trị đầu tư trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động. Đây là một nhu cầu thiết thực và hoàn toàn chính đáng, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức có chiến lược dài hạn tại thị trường Việt Nam.

Về cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật với việc đưa hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành từ tháng 5/2025. Trên nền tảng này, Bộ Tài chính đã giao UBCKNN chỉ đạo Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán xây dựng lộ trình triển khai CCP, sớm đưa cơ chế CCP vào vận hành từ đầu năm 2027.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/bo-truong-bo-tai-chinh-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-khong-phai-la-dich-den-post1215449.vov