Trung Quốc vượt Mỹ, dẫn đầu nhập khẩu thủy sản Việt Nam

Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ để dẫn đầu danh sách các quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất từ Việt Nam trong nửa đầu năm 2025. Diễn biến này phản ánh xu hướng dịch chuyển thương mại khi doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó với biến động chính sách và thị trường toàn cầu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ 2024. Trong khi đó, Mỹ - thị trường truyền thống nhập khẩu khoảng 905 triệu USD, tăng gần 18%. Dù tăng trưởng tốt, Mỹ đã để mất vị trí dẫn đầu do giảm tốc mạnh trong tháng 6.

Ba nhóm sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra và cá ngừ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, với tổng giá trị 6 tháng đầu năm đạt hơn 700 triệu USD, chiếm 77% tổng kim ngạch.

Xuất khẩu cá tra ghi nhận mức tăng trưởng ổn định hơn, đạt 175 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng gần 10%. Đối với cá ngừ, kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt gần 184 triệu USD, tăng 6,5%. Tuy nhiên, mặt hàng này ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 5 (37,5%) và sau đó giảm mạnh hơn 40% trong tháng 6.

Sự sụt giảm từ phía Mỹ diễn ra ngay sau đợt tăng đột biến hồi tháng 5, khi doanh nghiệp Việt tăng tốc giao hàng để tránh tác động của chính sách thuế mới. Trong tháng 5, xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 195 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm, tăng 61% so với tháng 4. Tuy nhiên, sang tháng 6, thị trường này giảm nhiệt với kim ngạch giảm gần 18% so với cùng kỳ.

VASEP dẫn lời một doanh nghiệp cho biết: “Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang dè chừng rủi ro từ căng thẳng thương mại, nên họ thu hẹp đơn hàng, chỉ đặt theo tháng thay vì hợp đồng dài hạn”.

Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc nổi lên là điểm sáng nhờ chính sách thương mại ổn định hơn và nhu cầu phục hồi mạnh. Dù nước này ngày càng siết tiêu chuẩn chất lượng, môi trường chính sách rõ ràng đã giúp doanh nghiệp Việt dễ lập kế hoạch sản xuất và ký hợp đồng dài hạn.

Theo VASEP, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường khó đoán như Mỹ sang Trung Quốc và các nước trong khối CPTPP sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm. Nhiều doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư vào chuỗi cung ứng, công nghệ chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc để gia tăng giá trị và nâng tính cạnh tranh.

Một số doanh nghiệp đầu ngành thủy sản đã ghi nhận kết quả tích cực. Đơn cử, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV), một trong những đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất đạt doanh thu hơn 73 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 96% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong một thập kỷ. Lãi ròng đạt trên 12 tỷ đồng, tăng 9% và cũng là mức bán niên cao nhất từ trước đến nay.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ 2024. Dù đã có tín hiệu khởi sắc sau một năm 2023 nhiều khó khăn, mức tăng này vẫn chưa chạm đến đỉnh cao năm 2022.

VASEP nhận định trong bối cảnh địa chính trị và chính sách thuế tại nhiều quốc gia vẫn tiềm ẩn rủi ro, các doanh nghiệp Việt đang phải tái cơ cấu thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và khối CPTPP. Mô hình sản xuất "xanh", bền vững và ứng dụng công nghệ sẽ là chìa khóa để ngành thủy sản duy trì đà tăng trưởng trong nửa cuối năm.

Ngọc Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/trung-quoc-vuot-my-dan-dau-nhap-khau-thuy-san-viet-nam-320040.html