Chinh phục thị trường Nhật Bản: Cơ hội nâng cao giá trị gạo Việt

Chủ động lựa chọn phân khúc thị trường khó tính, trong đó có thị trường Nhật Bản, đây là cách để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Chủ động chọn thị trường khó

“Tháng 5 này, chúng tôi sẽ xuất khẩu lô gạo đầu tiên có dán nhãn phát thải carbon vào thị trường Nhật Bản. Giá bán tại kho của lô hàng này là 785 USD/tấn, nếu cộng thêm chi phí giao đến cảng, giá bán sẽ vào khoảng hơn 800 USD/tấn (giá FOB). Cơ hội tại thị trường Nhật Bản là rất lớn”, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.

Gạo Japonica Việt Nam về hình thức và hương vị gần giống như các sản phẩm gạo Nhật Bản

Gạo Japonica Việt Nam về hình thức và hương vị gần giống như các sản phẩm gạo Nhật Bản

Theo ông Phạm Thái Bình, để xuất khẩu được vào thị trường này, Công ty đã liên kết với phía doanh nghiệp Nhật Bản, họ đưa giống, kỹ sư sang hướng dẫn, và doanh nghiệp phải trồng theo quy trình của họ. Hiện nhu cầu tại thị trường Nhật Bản rất lớn, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng được một phần.

“Định hướng của Tập đoàn PAN nói chung và Vinaseed (công ty con của PAN Farm thuộc Tập đoàn PAN) nói riêng, chúng tôi đưa chất lượng lên hàng đầu và tập trung vào thị trường khó tính”, bà Nguyễn Thị Trà My – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Theo bà Trà My, nhu cầu tiêu thụ gạo ở thị trường Nhật Bản đang tốt, hội đồng quản trị Vinaseed đã thảo luận và cùng tìm cách xuất khẩu gạo sang Nhật Bản. Chúng tôi tự tin về chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ giống đến bàn ăn.

Theo đó, Vinarice, thành viên của Tập đoàn Vinaseed tham gia vào dự án Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” (TRVC) của Chính phủ Australia và nhận được hiệu ứng truyền thông tốt. Chúng tôi canh tác giảm phát thải ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả vụ 1 đã giảm được 3.888 tấn CO2 và nhận thưởng 28.600 AUD (đô la Úc). PAN và Vinaseed luôn tìm kiếm những thị trường khó tính bởi khi làm việc với thị trường khó tính, chúng tôi có thể thể hiện được sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh liên kết, chớp cơ hội thị trường

Mới đây, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản công bố, trong tuần kết thúc vào ngày 20/4, giá gạo đã tăng thêm 3 yen so với tuần trước đó, đạt mức trung bình 4.220 yen tương đương 29,38 USD cho túi gạo 5kg.

Trong bối cảnh người tiêu dùng Nhật Bản đang gặp khó khăn vì giá gạo tăng do lạm phát, Chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ vào tháng trước khi quyết định đưa gạo từ kho dự trữ quốc gia ra thị trường để kiềm chế giá cả.

Biện pháp này sẽ được tiếp tục thực hiện hàng tháng cho đến tháng 7/2025. Tuy nhiên, khi giá gạo trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các công ty tư nhân đang lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu gạo ngoài hạn ngạch miễn thuế của Nhật Bản.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhật Bản thiếu gạo, liệu đây có là cơ hội cho gạo Việt Nam? Về việc này, theo ông Phạm Thái Bình, cơ hội tại thị trường Nhật Bản là rất lớn, tuy nhiên, quan trọng nhất là gạo Việt có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không.

Để xuất khẩu gạo vào thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản, các doanh nghiệp phải bắt đầu từ khâu sản xuất. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp giảm hàng rào thương mại hay đưa ra những ưu đãi về thuế quan. Nhưng nếu gạo không đạt tiêu chuẩn của thị trường cũng sẽ không vào được.

Muốn nắm bắt được cơ hội thị trường, ông Phạm Thái Bình cho biết, nông dân phải liên kết với doanh nghiệp và trồng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp phải trồng theo tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu. Muốn làm được việc này, quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất theo tiêu chí của “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) khi đó vừa giảm chi phí cho bà con nông dân vừa nâng cao được giá trị hạt gạo Việt Nam.

Đồng quan điểm về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho hay, mặc dù thị trường Nhật Bản thiếu gạo, giá đang đứng ở mức rất cao. Tuy nhiên, gạo Việt Nam có xuất khẩu được sang thị trường này hay không lại là việc khác. Nhật Bản chỉ nhập khẩu gạo giống của Nhật Bản cấy tại Việt Nam. Việc truy xuất nguồn gốc được họ thực hiện đến tận giống bản địa, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, chứ không phải cứ ngon là họ mua.

Cũng theo ông Hoàng Trọng Thủy, Nhật Bản có hai loại hình nhập khẩu gạo gồm: Gạo do chính phủ nhập khẩu; gạo được tư nhân là các công ty thương mại và các công ty khác nhập khẩu. Tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với gạo từ Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc hay Australia.

Dù vậy, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều cho rằng, lúa gạo Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng trên thế giới. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác dự báo thị trường để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm bắt và có định hướng trong sản xuất, xuất khẩu. Việc triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ giúp nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chuỗi giá trị, tăng cường khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo số liệu của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), lũy kế từ đầu năm 2025 đến ngày 15/4, Việt Nam xuất khẩu 2,85 triệu tấn gạo, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá gạo xuất khẩu trung bình ra thế giới giảm 20,1%, từ mức 647 USD/tấn tại cùng kỳ năm trước xuống còn 517 USD/tấn tại kỳ này, nên kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 1,47 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 10 thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam không có thị trường Nhật Bản.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-phuc-thi-truong-nhat-ban-co-hoi-nang-cao-gia-tri-gao-viet-385680.html