Chính quyền Biden và ngành chip đẩy nhanh tiến trình nhận hỗ trợ trước khi ông Donald Trump nhậm chức
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang 'chạy đua' để hoàn tất các thỏa thuận hỗ trợ ngành chip trước khi ông Donald Trump nhậm chức. Việc này càng cấp bách hơn khi nhiều công ty hàng đầu như Intel và Samsung vẫn đang trong giai đoạn đàm phán để nhận trợ cấp trị giá hàng tỷ USD từ chính phủ Mỹ…
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gấp rút hoàn tất hàng loạt thỏa thuận theo Đạo luật Chips với các công ty như Intel và Samsung Electronics trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Hai tháng tới sẽ là khoảng thời gian quyết định đối với hơn 20 công ty vẫn đang trong quá trình đàm phán. Một số trong đó, bao gồm TSMC và GlobalFoundries, đã hoàn tất đàm phán và dự kiến sẽ công bố kết quả cuối cùng sớm nhất, theo nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg. Trong khi đó, các doanh nghiệp chip khác như Intel, Samsung và Micron Technology vẫn đang giải quyết và điều chỉnh một vài chi tiết quan trọng trong hợp đồng.
Chiến thắng của ông Donald Trump giờ đây càng khiến tình hình cấp bách hơn vì đội ngũ của ông Biden muốn bảo vệ các sáng kiến, chính sách công nghiệp của mình khỏi sự chi phối của chính trị đảng phái. Bản thân các nhà sản xuất chip cũng muốn tránh việc phải đàm phán lại các điều khoản với chính quyền mới.
Đạo luật Chips, với hàng tỷ USD cho vay và 25% tín dụng thuế cùng trợ cấp, đã thu hút được nhiều công ty cam kết đầu tư khoảng 400 tỷ USD vào việc xây dựng các nhà máy ở Mỹ. Chính quyền đảng Dân chủ luôn coi đây là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong 4 năm qua, nhưng Tổng thống đắc cử và các đồng minh của ông đã lên tiếng chỉ trích đạo luật này vào những ngày gần đây.
Ngay tháng trước, ông Donald Trump đã chê sáng kiến này là “rất tồi” và gợi ý rằng thuế quan có thể là giải pháp tốt hơn. Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa Mike Johnson sau đó cho biết đảng của ông sẽ tìm cách đơn giản hóa đạo luật này, đồng thời nhắc lại phát biểu về việc đảng Cộng hòa có thể tìm cách thay đổi đạo luật.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump chưa làm rõ lập trường về vấn đề này kể từ khi cuộc bầu cử kết thúc, nhưng có nhiều kỳ vọng rằng Đạo luật Chips phần lớn sẽ vẫn được giữ nguyên. Bởi dù gì đi chăng nữa, chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên chính là người đã thuyết phục TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, xây dựng các nhà máy tại Arizona. Các quy định liên bang cũng sẽ buộc chính quyền Trump sử dụng số tiền trong Đạo luật Chips mà Quốc hội đã phê duyệt, bao gồm toàn bộ 39 tỷ USD cho các khoản trợ cấp trực tiếp đến năm tài chính 2026.
Vi mạch (chip) là yếu tố quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là nền tảng thiết yếu cho mọi loại công nghệ tiêu dùng và quân sự, đồng thời cũng là điểm nóng trong căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ đều nhiều lần khẳng định sản xuất chip trong nước là ưu tiên an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa có thể tìm cách loại bỏ những phần mà họ cho là các ưu tiên xã hội trong Đạo luật Chips - chẳng hạn như yêu cầu về cơ sở chăm sóc trẻ em hoặc kỳ vọng rằng các công ty sẽ tham khảo ý kiến của công đoàn lao động địa phương và nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường từ nhà máy của họ.
Nhìn chung, lo ngại của các công ty không phải là những cải cách mà đảng Cộng hòa sẽ thực hiện, mà là nguy cơ trì hoãn thêm việc cấp phát tiền - số tiền mà một số giám đốc điều hành ngành chip cảm thấy phải mất quá lâu mới đến tay doanh nghiệp. Một số dự án đã đạt được các mốc quan trọng ban đầu, điều này có nghĩa là đợt tiền đầu tiên có thể được giải ngân ngay khi các hợp đồng được ký kết.
Đối với Intel, tình hình đàm phán hiện đang tập trung một phần vào các điều khoản về việc thay đổi quyền kiểm soát. Các điều khoản này sẽ xác định điều gì sẽ xảy ra nếu công ty tách ra khỏi lĩnh vực sản xuất hoặc bị mua lại toàn bộ/một phần. Đây là một vấn đề nhạy cảm vào thời điểm công ty đang đối mặt với những thách thức tài chính lớn. Bloomberg và nhiều phương tiện truyền thông khác từng đưa tin rằng một số doanh nghiệp chip đã xem xét mua lại toàn bộ hoặc một phần của Intel. Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cam kết giữ công ty nguyên vẹn và cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền Biden để hoàn tất các khoản trợ cấp.
Micron, trong khi đó, đang phản đối yêu cầu gia nhập Trung tâm Công nghệ Vi mạch Quốc gia, một sáng kiến nghiên cứu và phát triển trị giá 5 tỷ USD thuộc Đạo luật Chips. Việc gia nhập này là một điều kiện trong khoản trợ cấp ban đầu, và Micron là một trong số những công ty còn do dự với điều khoản này.
Còn Samsung đã khiến các quan chức chính quyền Biden lo lắng khi công bố báo cáo tài chính thất vọng đến mức phải đưa ra lời xin lỗi công khai vào tháng trước. Công ty đã không đạt được nhiều tiến bộ trong sản xuất vi mạch tiên tiến, đồng thời cũng chưa công bố thêm thông tin về cơ sở mới tại Texas. Cuộc đàm phán của Samsung về Đạo luật Chips đã được nối lại gần đây sau một thời gian chậm trễ hồi đầu năm.
Bên cạnh đó, các công ty cũng đang tìm kiếm sự rõ ràng về mức độ kinh doanh mà họ có thể thực hiện với Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền Biden đưa ra biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó giới hạn việc các công ty giành trợ cấp từ Đạo luật Chips có thể mở rộng cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, nhưng vẫn còn một số chi tiết cụ thể cần được làm rõ.