Chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân

i biểu Quốc hội Lương Văn Hùng cho rằng, trong dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

Hạn chế tối đa việc người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính

Sáng nay (14/6), tham gia thảo luận đóng góp ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó có chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát dân thụ hưởng và nêu rõ quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nghiên cứu bổ sung một điều Luật sau 1 năm về nhân dân giám sát tại Chương II để thể chế hóa cơ chế dân thụ hưởng vào dự thảo Luật.

Các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội,… đối với nhân dân địa phương.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

Đáng chú ý, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân.

Đồng thời phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng.

Cùng với đó là, xem xét quy định về tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

Cần quy định dân tham gia quyết định những vấn đề về thôn, xóm, bản, làng

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, dân chủ là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, để thể hiện ý chí, quyền làm chủ thể của nhân dân. Thực hiện quy chế dân chủ trong thời gian qua đã góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, cởi mở, vai trò của người dân, người lao động đã phát huy tối đa trên tất cả các lĩnh vực về dân bàn, dân biết, dân làm, dân kiểm tra góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhất là an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm công vụ, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ còn nhiều bất cập trong nội dung, hình thức, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chưa thống nhất, mỗi nơi thực hiện khác nhau, thiếu chế tài xử lý tùy trường hợp cụ thể, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận, đoàn thể cũng như của người dân chưa rõ, ít được lắng nghe. Cho nên việc xây dựng Luật Dân chủ cơ sở là hết sức cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ: Theo Điều 13 của dự thảo Luật, người dân quyết định là mấu chốt để thể hiện tính dân chủ trong luật như mức đóng góp tài chính, xây dựng cơ hạ tầng phúc lợi công cộng, làm quỹ xã hội, quỹ từ thiện từ sức huy động của dân.

Theo đó, thời gian qua, các địa phương cả nước tổ chức vận động với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội cho người dân thôn, xóm, bản, làng, đặc biệt là tình làng, nghĩa xóm càng khăng khít, hỗ trợ để giúp đỡ lẫn nhau.

Tuy nhiên, cũng đã xảy ra nhiều bất cập như tự nguyện nên từ cử chỉ, việc làm của mỗi hộ, mỗi cá nhân chưa có sự thống nhất chung nên dẫn đến việc người lao động không làm, thậm chí có người tuyệt đối không thực hiện. "Ví dụ như người dân vận động trong khu dân cư xây dựng tuyến đường vào nông thôn sớm nhưng chỉ cần một vài hộ không đồng tình thì thực hiện rất khó khăn mà không có chế tài nào bắt buộc", ông Hòa nói và nêu rõ, đây là sự tự nguyện nên cần quy định dân tham gia quyết định những vấn đề về thôn, xóm, bản, làng. Những trường hợp người dân không đồng tình tham gia hưởng ứng thì giải quyết ra sao, cũng cần định tính, định lượng cho rõ ràng để dễ dàng thực hiện.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-quyen-cap-xa-phai-thuc-hien-nghiem-che-do-tiep-xuc-doi-thoai-truc-tiep-voi-nhan-dan-post199073.html