Chính quyền địa phương 2 cấp: Chặng đường mới, khí thế mới
Ngày 1/7, cả nước vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ máy hành chính 96 xã, phường, đặc khu trên địa bàn tỉnh đồng loạt bước vào ngày làm việc chính thức đầu tiên trong không khí sôi nổi, quyết tâm. Việc tinh gọn bộ máy, chuyển giao thẩm quyền xuống cấp xã nhằm phục vụ nhân dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn, gần dân, sát dân hơn.
Không để gián đoạn công việc
Từ sáng sớm, đội ngũ cán bộ, công chức, chuyên viên xã Ba Động đã có mặt đông đủ tại trụ sở làm việc. Anh Nguyễn Chí Linh - chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ba Động chia sẻ, sau khi xã Ba Thành sáp nhập vào xã Ba Động, tôi được phân công công tác tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ba Động. Đây là môi trường làm việc mới mẻ, đòi hỏi phải nhanh chóng cập nhật kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin để bắt kịp với nhịp làm việc hiện đại. “Việc được điều chuyển về công tác gần nhà hơn giúp tôi chủ động hơn trong cuộc sống. Quãng đường di chuyển từ nhà ở phường Trà Câu đến nơi làm việc mới được rút ngắn, tạo điều kiện để tôi sắp xếp thời gian lo cho gia đình và công việc hiệu quả hơn”, anh Linh nói.

ông chức Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trương Quang Trọng hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính. ẢNH: Ý THU
Dù là xã miền núi, nhưng Ba Động đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ xử lý nhiệm vụ vốn trước đây chỉ có cấp huyện đảm nhiệm. Người dân giờ đây không còn phải vượt hàng chục cây số đến trung tâm huyện để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), từ gia hạn sổ đỏ, cấp giấy tờ, cho đến giải quyết các chế độ chính sách. Việc phân cấp rõ ràng giúp người dân thuận tiện hơn trong tiếp cận dịch vụ công, tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển.
Tại xã Bờ Y, 1 trong 9 xã có đường biên giới đất liền của tỉnh, ngày làm việc đầu tiên cũng diễn ra sôi nổi. Ông Hoàng Hữu Sửu, ở xã Sa Loong, đến làm thủ tục thừa kế đất đai. “Tôi thấy cán bộ hướng dẫn tận tình, lần đầu còn bỡ ngỡ nhưng rõ ràng hơn nhiều so với trước đây. Tôi chỉ cần đến lần thứ 2 là sẽ quen quy trình. Tôi thấy thuận tiện lắm”, ông Sửu bày tỏ.
"
Chúng tôi đã cử cán bộ, công chức đến với người dân vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin để hỗ trợ giải quyết các thủ tục cần thiết. Tại trụ sở làm việc của xã, máy móc được trang bị cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Đường truyền kết nối thẳng về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh”.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Măng Ri Phạm Xuân Quang
Theo Chủ tịch UBND xã Bờ Y Y Lan, xã được hợp nhất từ 3 đơn vị hành chính của huyện Ngọc Hồi trước đây. Với đặc thù địa bàn rộng, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã sớm xây dựng phương án bố trí cán bộ và cơ sở vật chất phù hợp. “Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp”, đồng chí Y Lan chia sẻ.
Cán bộ tận tâm, người dân hài lòng
Đúng 7 giờ, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Kon Tum mở cửa. Anh Phan Hát, ở tổ dân phố 4, xã Đăk Tô là người đầu tiên bấm số thứ tự, để điều chỉnh địa chỉ trong sổ đỏ do tuyến đường hẻm Hoàng Thị Loan ở phường Kon Tum, nơi anh có đất giờ đã được đổi tên thành đường Đào Duy Anh. Sau 5 phút làm việc, anh nhận được giấy hẹn. “Chỉ 5 ngày nữa quay lại là có sổ mới. Tôi thấy làm rất nhanh, không còn phải lên huyện như trước, tiết kiệm được thời gian và công sức”, anh Hát nói.

Tại phường Kon Tum, người dân đến giải quyết thủ tục hành chính được cán bộ hướng dẫn tận tình. Ảnh:DƯƠNG NƯƠNG
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kon Tum Dương Anh Hùng cho hay, với khí thế mới, kỳ vọng mới, chính quyền phường Kon Tum sẽ “tiếp tục chung tay, đồng lòng, đoàn kết, nhất trí thực hiện thành công mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo hệ thống tổ chức vận hành trơn tru, hiệu lực, hiệu quả. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân; chăm lo an sinh xã hội và mở rộng cơ hội phát triển cho mọi tầng lớp nhân dân” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngày làm việc đầu tiên với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại xã Nghĩa Hành đã để lại nhiều dấu ấn tích cực. Từ sự chủ động của lãnh đạo đến tinh thần trách nhiệm, tận tụy của đội ngũ cán bộ, công chức, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là phục vụ nhân dân tốt hơn, xây dựng chính quyền thực sự gần dân, vì dân. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nghĩa Hành Đào Thị Bích Diễm, dự lường công dân đến thực hiện TTHC gia tăng, nhất là lĩnh vực đất đai, nên xã đã huy động lực lượng bán chuyên trách hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn. Xã cũng đã lắp đặt và vận hành ki ốt bốc số, đặt lịch trực tuyến để công dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện TTHC.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính xã Nghĩa Hành được cán bộ hướng dẫn sử dụng ki ốt bốc số, đặt lịch trực tuyến. Ảnh: MỸ HOA
Tại phường Trương Quang Trọng, trong không khí khẩn trương, sôi nổi của ngày đầu làm việc, hơn 20 người dân cũng đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường để nộp hồ sơ TTHC từ rất sớm. Mười bốn cán bộ, công chức của phường đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cấp xã đảm nhiệm hơn 1.000 nhiệm vụ. Trọng trách tăng lên, nên mỗi cán bộ, công chức của phường đều nỗ lực để phục vụ người dân tốt hơn.
Biết ơn để tận tâm với công việc
Sáng 1/7, ngày làm việc chính thức đầu tiên của chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, đặc khu trong tỉnh đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhằm bày tỏ lòng tri ân với tiền nhân, đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hứa với lòng mình phải tận tâm, tận lực để phục vụ nhân dân trong chặng đường mới. Tại các xã Sơn Tịnh, Mỏ Cày... trong không khí trang nghiêm, lãnh đạo các địa phương đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có quê hương, đất nước có được ngày hôm nay.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trương Quang Trọng Trần Quang Tòa nhấn mạnh, trong thời gian đến, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với HĐND và UBND phường là rất lớn đòi hỏi phải tập trung trí tuệ, năng lực và sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra. Sau khi sáp nhập, phường có diện tích lớn hơn, quy mô dân số tăng lên, số hộ nghèo vì vậy cũng tăng gấp nhiều lần so với phường trước đây. Vì vậy, UBND phường phải xây dựng nhiệm vụ, chỉ tiêu bám sát thực tiễn, bám sát số hộ cần được hỗ trợ để giảm nghèo và đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện.
Với mô hình mới, cách thức hoạt động mới, bước đầu sẽ có những khó khăn, nhưng với tinh thần vì nhân dân phục vụ, với bộ máy tổ chức gọn nhẹ, sát dân hơn và sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chắc chắn phát huy hiệu quả. Đây là bước đi thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, hướng tới một nền hành chính hiện đại, thân thiện, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng phục vụ.