Chính quyền địa phương 2 cấp: Những lợi ích trong trung và dài hạn đối với Việt Nam

Ngày 1/7 vừa qua, Việt Nam đã tiến hành sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 34 tỉnh, thành phố, đồng thời bắt đầu thực hiện chế độ hành chính địa phương hai cấp. Đánh giá về mô hình này, học giả Trung Quốc cho rằng Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ như vậy sẽ mang lại những lợi ích trong trung và dài hạn.

PGS Lý Tuấn Khải, Phó Trưởng khoa Giảng dạy Đa ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu Nam bán cầu thuộc Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh. Ảnh: Công Tuyên/PV TTXVN tại Trung Quốc

PGS Lý Tuấn Khải, Phó Trưởng khoa Giảng dạy Đa ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu Nam bán cầu thuộc Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh. Ảnh: Công Tuyên/PV TTXVN tại Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Phó giáo sư Lý Tuấn Khải, Phó Trưởng khoa Giảng dạy đa ngôn ngữ, Viện Nghiên cứu Nam bán cầu thuộc Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) cho rằng việc sáp nhập các tỉnh, thành và bỏ cấp huyện trên toàn quốc của Việt Nam, được thúc đẩy nhờ việc sửa đổi hiến pháp, là một cải cách cơ cấu có tính đến cả hiện đại hóa quản trị và kiểm soát chi phí. Điều này giúp tập trung các nguồn lực tài chính, nhân sự và quyền phê duyệt vốn bị phân tán trước đây cho chính quyền cấp tỉnh có năng lực mạnh mẽ hơn; đồng thời thông qua các nền tảng chính phủ số, trực tiếp đưa các dịch vụ công cấp quận, huyện xuống các xã, phường với mục tiêu phấn đấu đạt được sự nhất thể hóa cả trực tuyến và trực tiếp mà không bị ngắt kết nối.

Phó giáo sư Lý Tuấn Khải dẫn ví dụ kiểu phẫu thuật hành chính “cắt giảm” này của Việt Nam tương tự như ý tưởng sáp nhập vùng và tăng cường quyền lực vùng ở Pháp những năm gần đây; đồng thời phản ánh giống với thực tiễn của Trung Quốc là “bỏ huyện lập khu, sáp nhập các xã và thị trấn”, tuy nhiên Việt Nam đã bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền cấp huyện, đồng thời thiết lập các “văn phòng đại diện khu vực”, điều này không chỉ tránh được sự xuất hiện của khoảng trống quản lý, mà còn thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm mạnh mẽ của cấp cao nhất đối với cải cách chính trị.

Đánh giá về tác động do những cải cách mạnh mẽ đối với sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, Phó giáo sư Lý Tuấn Khải khẳng định trong tương lai, các tỉnh, thành sau khi sáp nhập sẽ có thực lực lớn hơn, có chức năng đầy đủ hơn, các quyết định về tài chính và đầu tư có thể được triển khai tập trung hơn. Điều này sẽ giúp Việt Nam đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội và nền kinh tế số, thay vì bị “ăn mòn” do các hoạt động của các cơ quan chính quyền.

Về mặt bố trí công nghiệp, việc sáp nhập các tỉnh, thành tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam sẽ giúp thống nhất quy hoạch cảng biển, đường sắt, khu công nghiệp, tăng cường kết nối với khu vực Tây Nam Trung Quốc và các nước láng giềng ở bán đảo Đông Dương. Ở cấp độ dịch vụ công, nếu nền tảng chính phủ “một tỉnh, một đám mây” hoạt động thông suốt thì các dữ liệu như căn cước công dân, bảo hiểm y tế, sổ đỏ… có thể được chia sẻ giữa các tỉnh, rút ngắn chuỗi thủ tục hành chính của người dân...

Về triển vọng phát triển của Việt Nam trong tương lai, Phó giáo sư Lý Tuấn Khải cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã cho thấy động lực phát triển mạnh mẽ trong ngành chế tạo xuất khẩu, công nghiệp số và năng lượng xanh. Nếu công tác đơn giản hóa hành chính lần này được thực hiện thành công, sẽ giúp giảm chi phí giao dịch thể chế, tạo cửa sổ thu hút đầu tư cấp tỉnh rõ ràng hơn cho vốn trong và ngoài nước và tạo ra một môi trường thể chế thuận lợi hơn cho các đối tác Nam bán cầu hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng mới, nông nghiệp thông minh và cảng số.

Theo ông Lý Tuấn Khải, trong quá trình thực hiện cải cách, Việt Nam cần lắng nghe đầy đủ tiếng nói và nguyện vọng của người dân, cân bằng cơ hội phát triển của các thành phố lớn và các xã, phường, lồng ghép bản sắc địa phương vào các chiến lược khu vực giống như Pháp và thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn thông qua “chính quyền số” như Trung Quốc… Có như vậy, Việt Nam không chỉ có thể củng cố đà tăng trưởng nhanh chóng của mình, mà còn được kỳ vọng sẽ cung cấp một mô hình quản trị kết hợp “giảm gánh nặng cơ cấu và đảm bảo số hóa” cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời đóng vai trò quan trọng hơn trong sự phát triển chung của các nước đang phát triển.

Công Tuyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-nhung-loi-ich-trong-trung-va-dai-han-doi-voi-viet-nam-20250707120709547.htm