Chính quyền địa phương 2 cấp ở Đà Nẵng: Đồng bằng bắt nhịp, miền núi lúng túng
Sau 1 tuần vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các xã, phường vùng đồng bằng TP. Đà Nẵng (mới) cơ bản hoạt động ổn định. Trái lại, nhiều xã miền núi còn lúng túng do thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu, cán bộ vừa thiếu vừa yếu...
Đồng bằng vận hành nhịp nhàng
Từ sáng sớm, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hải Châu, TP. Đà Nẵng cán bộ phường tận tình hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân. Ông Phạm Công Lương, người dân địa phương đến đăng ký thủ tục sử dụng đất, hoàn thành hồ sơ chỉ sau 10 phút.
“Tôi thấy không gian bố trí phù hợp và rất thoáng. Người dân vào đây cảm thấy rất thoải mái. Cán bộ hướng dẫn rất tình tình, chu đáo. Tôi làm thủ tục trong 10 phút là xong. Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa trong những ngày sau” - ông Phạm Công Lương cho biết.

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hải Châu.
Phường Hải Châu (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường cũ: Thanh Bình, Thuận Phước, Thạch Thang, Hải Châu, Phước Ninh… với dân số hơn 131.000 người, gần 6.000 đảng viên và hàng trăm tổ chức đảng.
Khối lượng công việc trong tuần đầu tăng đột biến; không khí làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công luôn khẩn trương, nghiêm túc. Phường đã chủ động nâng số quầy phục vụ từ 7 lên 16, mỗi quầy bố trí 2 cán bộ thường trực để tiếp nhận và hỗ trợ người dân.

Các xã, phường vùng đồng bằng TP. Đà Nẵng (mới) cơ bản hoạt động ổn định.
Lãnh đạo UBND phường Hải Châu cho biết, địa phương đã quán triệt tinh thần “phục vụ hết mình”, đặt hiệu quả công việc và sự hài lòng của người dân lên hàng đầu.
Từ cải tạo lại trụ sở, mở rộng không gian tiếp dân đến đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tất cả đều nhằm đảm bảo điều kiện cho cán bộ làm việc trong môi trường mới, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho người dân đến giải quyết thủ tục.
Bà Cao Thị Huyền Trân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hải Châu cho biết, trong tuần đầu tiên triển khai mô hình chính quyền mới, phường đã tổ chức liên tục các cuộc họp rút kinh nghiệm, phân công cụ thể từng nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra công tác tiếp dân với phương châm hành động: “Chủ động, quyết liệt, sâu sát, kịp thời”. Lãnh đạo phường động viên cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hải Châu xốc lại tinh thần làm việc.
“Trong tuần đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp túc trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để kịp thời ký hồ sơ cho người dân. Tuy nhiên, về lâu dài cần sớm phân cấp, ủy quyền để cán bộ trực tiếp xử lý, ký hồ sơ, đảm bảo thủ tục được giải quyết nhanh chóng” - Bà Cao Thị Huyền Trân, Bí thư Đảng ủy phường Hải Châu nói.

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hòa Xuân.
Tại 94 xã, phường của TP. Đà Nẵng (mới), ngành Bưu điện đã cử cán bộ hỗ trợ trực tiếp tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công, giúp quá trình giải quyết thủ tục diễn ra liên tục, hiệu quả. Nhờ được tập huấn, làm quen với các phần mềm dùng chung như hệ thống xử lý văn bản, một cửa điện tử, nhiều cán bộ nhanh chóng bắt nhịp công việc ngay từ những ngày đầu.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính.
Mỗi ngày, tại nhiều xã, phường có từ 5 đến 10 đoàn viên thanh niên trong Tổ xung kích thường xuyên túc trực, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ. Ông Nguyễn Văn Lợi, người dân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tam Kỳ (sáp nhập từ 3 phường An Mỹ, An Xuân, Trường Xuân cũ), cho biết ông hoàn tất thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh chóng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ và đoàn viên thanh niên.
“Kỳ vọng lớn nhất của tôi trong lần sáp nhập này là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Khi bộ máy vận hành hiệu quả hơn, cán bộ có thể sâu sát cơ sở, thấu hiểu đời sống người dân, từ đó đề xuất giải pháp thiết thực để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, hiệu quả” - Ông Nguyễn Văn Lợi kỳ vọng.
Miền núi vướng hạ tầng, thiếu nhân lực
TP. Đà Nẵng (mới) có diện tích hơn 11,859,59 km2, dân số hơn 3 triệu người, có 94 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu. Đây là thành phố có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay.
Việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại các xã miền núi thuộc TP. Đà Nẵng (mới) trong tuần đầu tiên đã bộc lộ nhiều vướng mắc, điều đã được dự báo trước ngày vận hành chính quyền 2 cấp.

TP. Đà Nẵng (mới) có 94 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu.
Người dân ở các xã miền núi của TP. Đà Nẵng (mới) bày tỏ lo ngại khi các xã sáp nhập, người dân đi lại giải quyết thủ tục hành chính còn khó khăn. Việc tiếp cận các dịch vụ hành chính còn gặp trở ngại do hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng, internet chập chờn và hệ thống chưa tích hợp dữ liệu.

Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại nhiều xã miền núi còn lúng túng do thiếu cơ sở vật chất, nhân lực.
Chị Nguyễn Thị Thêm, cán bộ phụ trách giải quyết thủ tục Tư pháp, hộ tịch xã miền núi Nam Trà My thông tin, trong tuần qua, số lượng người dân đến giải quyết thủ tục lĩnh vực tư pháp và hộ tịch khá đông nhưng hệ thống phần mềm chưa ổn định.
“Người dân đến làm thủ tục tư pháp, hộ tịch, chúng tôi vẫn tiếp nhận và hướng dẫn đầy đủ. Tuy nhiên, phải giải thích rõ rằng hiện chưa thể nhập dữ liệu vào phần mềm do hệ thống chưa tích hợp thông tin về nơi khám, chữa bệnh ban đầu. Trước mắt, chúng tôi tạm thời xử lý hồ sơ trên giấy, chờ khi hệ thống hoàn thiện sẽ cập nhật lại. Riêng về thiết bị, nếu không được đầu tư mới thì rất khó đảm bảo tiến độ và chất lượng giải quyết thủ tục”, chị Nguyễn Thị Thêm nói.

Các xã thành lập các Tổ ứng cứu công nghệ thông tin, xử lý sự cố khi có tình huống phát sinh.
Ông Trần Văn Mẫn, Chủ tịch UBND xã miền núi Nam Trà My cho rằng, một phòng ban cấp xã mới phải đảm nhận khối lượng công việc gấp nhiều lần so với trước đây. Trong khi đó, cán bộ cấp xã còn bất cập.
Ông Trần Văn Mẫn nêu thực trạng: “Theo Nghị định 150/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã, mỗi Phó Chủ tịch UBND xã ngoài nhiệm vụ điều hành lĩnh vực chuyên trách còn phải kiêm nhiệm thêm các chức danh như Chánh Văn phòng UBND xã, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khối lượng công việc của từng vị trí đã rất lớn, yêu cầu ngày càng cao và đòi hỏi sự tập trung chuyên sâu. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần sớm có đánh giá thực tiễn để điều chỉnh quy định cho phù hợp”.
Cán bộ mạnh, bộ máy chuyển biến tốt
Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (mới) đã có công văn yêu cầu các xã, phường phát huy tinh thần chủ động, không trông chờ, ỷ lại; đồng thời khẩn trương rà soát khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án giải quyết cụ thể, từ điều kiện cơ sở vật chất đến công tác cán bộ.
Các sở, ngành liên quan được yêu cầu xử lý ngay các nội dung thuộc thẩm quyền, còn lại sẽ tổng hợp báo cáo UBND thành phố hoặc xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã.

TP. Đà Nẵng (mới) có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay.
UBND TP. Đà Nẵng (mới) giao Sở Nội vụ tham mưu ban hành kế hoạch thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND thành phố làm trưởng đoàn, khẩn trương rà soát, đánh giá toàn bộ công tác phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ ở cấp thành phố, cấp xã.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (mới) khẳng định, đổi mới mô hình tổ chức không chỉ là sắp xếp lại về mặt hành chính mà là một cuộc cải cách toàn diện, đòi hỏi hệ thống chính trị phải vận hành quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả. Trong đó, đội ngũ cán bộ cấp xã đóng vai trò then chốt. Ông Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định, dù khó khăn đến đâu, nếu cán bộ thực sự có tâm, có tầm, dám dấn thân và biết đặt lợi ích của người dân lên trên hết thì sẽ sớm tháo gỡ được những vướng mắc trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình mới.
“TP. Đà Nẵng (mới) được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, là trung tâm tài chính, kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và logistics. Tuy nhiên, đi cùng cơ hội là nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, nhất là giai đoạn đầu sau sáp nhập tỉnh Quảng Nam (cũ) và TP. Đà Nẵng (cũ), khi nhiệm vụ của cấp xã, phường tăng lên tới 1.065 đầu việc, gấp 6 lần trước đây, với yêu cầu cao hơn rất nhiều” - Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (mới) cho biết thêm.

Thành phố Đà Nẵng (mới) được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đặt ra không ít thách thức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều hạn chế về hạ tầng và nhân lực. Nhưng chính trong giai đoạn khởi đầu nhiều khó khăn ấy, vai trò đội ngũ cán bộ càng trở nên then chốt. Khi từng cán bộ ở cơ sở đủ năng lực và tâm huyết, biết lo cho dân thì bộ máy chính quyền sẽ vận hành thông suốt, niềm tin của người dân càng được củng cố.