Hà Nội thông qua lộ trình 'tẩy chay' sản phẩm nhựa dùng một lần
HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa, hướng đến loại bỏ hoàn toàn sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì khó phân hủy sinh học và hàng hóa chứa vi nhựa từ năm 2031.
Sáng 10-7, tại kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết nhằm cụ thể hóa điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô, quy định hàng loạt biện pháp hạn chế và tiến tới dừng hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Theo nội dung nghị quyết, từ ngày 1-1-2031, Hà Nội sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp dùng để đóng gói, chứa thực phẩm và các sản phẩm, hàng hóa có chứa vi nhựa. Một số trường hợp ngoại lệ như sản xuất để xuất khẩu hoặc dùng để đóng gói sản phẩm bán ra thị trường vẫn được phép.

HĐND TP Hà Nội biểu thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố.
Trước thời điểm đó, nhiều biện pháp mang tính chuyển tiếp sẽ được áp dụng. Cụ thể, từ 1-1-2026, khách sạn, khu du lịch không được phép sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm và các bao bì chứa kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể…
Từ 1-1-2027, các chợ, cửa hàng tiện lợi không được cung cấp miễn phí túi nylon khó phân hủy sinh học. Cùng thời điểm, các đơn vị bán hàng trực tuyến phải có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng vật liệu nhựa để đóng gói, vận chuyển và tổ chức thu hồi nhằm tránh thất thoát ra môi trường.
Từ 1-1-2028, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được phép lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm túi nylon và hộp xốp khó phân hủy, trừ các sản phẩm có bao bì bắt buộc sử dụng loại vật liệu này.
Với khối doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị sản xuất sử dụng nhựa PE, PP làm bao bì, nghị quyết yêu cầu phải áp dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế kể từ ngày 1-1-2028. Tỉ lệ này được nâng lên 30% từ ngày 1-1-2030, áp dụng với các loại bao bì quy định tại Nghị định 08/2022 (sửa đổi bởi Nghị định 05/2025).
Nghị quyết cũng nêu rõ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể thuộc chính quyền TP Hà Nội sẽ tiên phong thực hiện cấm sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy từ sớm.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2028, các đơn vị công lập sẽ không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Trường hợp ngoại lệ chỉ áp dụng với sản phẩm, hàng hóa được đóng gói sẵn có bao bì không thay thế được.
Sáng cùng ngày, HĐND TP Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất. Nghị quyết được ban hành theo quy định tại Luật Thủ đô, với tỉ lệ tán thành cao từ các đại biểu.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực tái chế rác có thể được miễn tiền thuê đất, mặt nước trong sáu năm, giảm tiền thuê cho các năm tiếp theo, vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển TP và được miễn nhiều loại phí, lệ phí.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, 50% phí hạ tầng (tối đa 100 triệu đồng/năm), 100% chi phí xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực (tối đa 300 triệu đồng), quảng bá sản phẩm tái chế (tối đa 200 triệu đồng/năm).
Chính sách này nhằm thúc đẩy các dự án tái chế thân thiện môi trường, mở rộng kênh phân phối sản phẩm tái chế và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.