Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp

Với mục tiêu 'Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm', trong năm 2023, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội luôn đồng hành, sát cánh, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản để các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và ngân sách Thủ đô.

Thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,27%. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất cấu kiện động cơ máy bay tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Nhật Nam

Thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,27%. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất cấu kiện động cơ máy bay tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Nhật Nam

Sát cánh tháo gỡ khó khăn

Theo UBND thành phố Hà Nội, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2023, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,27%, quy mô GRDP đạt 54,5 tỷ USD; số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 31,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,3% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt hơn 380.000.

Để đạt được kết quả trên, từ yêu cầu thực tiễn trong năm qua, Hà Nội đã lựa chọn đúng và trúng những vấn đề cấp bách, xác định được các “điểm nghẽn” để tập trung chỉ đạo nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương.

Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, đã có tổng cộng 83 cuộc họp được tổ chức trong năm qua; phần lớn là các cuộc họp xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn các quận, huyện, thị xã nhằm chủ động phối hợp, kịp thời chia sẻ, trao đổi thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cấp cơ sở. Cùng với đó, thông qua hoạt động giám sát, chất vấn của HĐND thành phố, hơn 700 dự án chậm triển khai đã được thành phố Hà Nội lên phương án giải quyết.

Thành phố Hà Nội cũng đã giảm thuế giá trị gia tăng cho 105.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 29.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp với số tiền hơn 20.000 tỷ đồng… giúp doanh nghiệp dần phục hồi và phát triển.

Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức nhiều phiên họp có sự tham gia của các bên liên quan. Lãnh đạo UBND thành phố cam kết cùng với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đồng hành, kề vai sát cánh, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản để các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động thuận lợi.

Điển hình như từ kiến nghị của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (đã được chuyển từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý) về khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng 21 năm qua chưa thể thực hiện xong, UBND thành phố yêu cầu, trong năm 2024, hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai phải hoàn thiện công tác bồi thường, bàn giao 169ha mặt bằng còn lại cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Còn đối với kiến nghị của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh tổng hợp D&C về việc hỗ trợ xác định tiền thuê đất thực hiện dự án “Đại lý Honda ô tô, xe máy” tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cam kết và nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp về việc trình UBND thành phố phê duyệt phương án giá đất của dự án theo quy định.

Quang cảnh cuộc làm việc của UBND thành phố Hà Nội nghe báo cáo về kiến nghị xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Quang cảnh cuộc làm việc của UBND thành phố Hà Nội nghe báo cáo về kiến nghị xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Vừa là động lực, vừa là đối tượng thụ hưởng

Ngay khi giao nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Trong đó, Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án trên địa bàn thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Thời gian tới, thành phố cũng giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương. UBND thành phố cũng kiến nghị Chính phủ các cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư ngoài thẩm quyền của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, UBND thành phố tiếp tục nắm chắc tình hình, có kế hoạch và giải pháp chủ động ứng phó với các yếu tố khách quan, tình huống đột xuất, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ đề ra; chủ động nâng cao chất lượng công tác dự báo để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp.

Bên cạnh đó, UBND thành phố thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Từ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã kêu gọi và huy động sự vào cuộc, ủng hộ, đồng hành của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

“Hà Nội đã và đang xây dựng văn hóa phát triển mà ở đó mọi thành quả của sự phát triển đều có sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cũng chính là đối tượng thụ hưởng từ sự phát triển đó”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nói.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân:
Tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh

Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Hà Nội cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; kích cầu trên các sàn thương mại điện tử; ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ; đẩy nhanh thẩm định, phê duyệt hồ sơ các dự án xây dựng; thực hiện giảm thuế, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…

Với mục tiêu “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, ngay từ đầu năm 2024, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải có kế hoạch, giải pháp khắc phục các tồn tại đã được chỉ ra. Thành phố tiếp tục rà soát các vướng mắc, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, các đơn vị, địa phương tập trung khai thông các nguồn lực xã hội, thủ tục về đầu tư, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh:
Cải thiện thủ tục hành chính về kinh doanh

Thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong đó, thành phố chủ động tổ chức các chương trình, hội nghị đối thoại, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đánh giá thực chất kết quả xử lý những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, thành phố cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách. Đặc biệt là đẩy nhanh các gói đầu tư công, ưu đãi dành cho dự án phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp làng nghề. Đồng thời, tích cực triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí.

Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam (VAFOOD) Trần Thị Thu Hằng:
Đặt nhiều kỳ vọng vào sự điều hành của thành phố Hà Nội

Thành lập từ năm 2009 đến nay, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam (VAFOOD) luôn theo đuổi mục tiêu mang thực phẩm sạch, chất lượng cùng những món ăn ngon đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý. Vượt qua nhiều khó khăn của năm 2023, Công ty VAFOOD đã cố gắng ổn định và phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đạt nhiều kết quả khả quan.

Năm 2024, trước những khó khăn đến từ cả trong và ngoài nước đã được dự báo, Công ty VAFOOD tin tưởng và tiếp tục kỳ vọng vào sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hướng đến tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay của UBND thành phố Hà Nội. Cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, Công ty VAFOOD mong được tạo các điều kiện nhanh chóng, thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, mở rộng mạng lưới kết nối giao thương, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hay các sàn thương mại điện tử...

Mai Hữu ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chinh-quyen-dong-hanh-voi-doanh-nghiep-655934.html