Đưa quả sơn tra xuống phố

Mảnh đất Yên Bái, nơi chị Đoàn Thị Lương sinh ra và lớn lên, có một loại quả đặc trưng, đó là sơn tra, hay còn được gọi là quả táo mèo. Loại quả rừng mang vị chát, chua này thường được người dân phơi khô ngâm rượu. Vào mùa vụ, quả táo mèo được bán với giá rẻ. Nhận thấy người dân gặp khó trong việc tiêu thụ, chị Lương đã nung nấu quyết tâm nâng cao giá trị của loại quả này.

 Chị Đoàn Thị Lương đang livestream giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã

Chị Đoàn Thị Lương đang livestream giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã

Chị Lương cho biết: "Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, tôi quyết định chuyển hướng, về quê lập cơ sở kinh doanh táo mèo. Tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi, chế biến các sản phẩm từ quả táo mèo, để bảo quản được quả lâu hơn mà vẫn giữ được hương vị truyền thống.

Tháng 7/2022, được sự vận động, ủng hộ của chính quyền địa phương, tôi và một số cộng sự đã cùng nhau liên kết, thành lập Hợp tác xã (HTX) chế biến, kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương, tại thôn Tiên Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Chúng tôi mong muốn đưa quả táo mèo trở thành sản phẩm chủ lực của HTX, giúp cho người dân địa phương tăng thu nhập. Thay vì bán sản phẩm tươi, HTX đã chế biến táo mèo thành giấm, ô mai, mứt và được người tiêu dùng đón nhận".

PV: Hành trình khởi nghiệp của chị đã gặp những khó khăn gì?

Chị Đoàn Thị Lương: Hành trình khởi nghiệp cùng quả táo mèo của tôi phải đối diện với không ít khó khăn. Trước hết, táo mèo là loại quả thời vụ, mỗi năm chỉ kéo dài từ khoảng tháng 7 đến tháng 9. Để có thể cung cấp đủ sản phẩm ra thị trường, HTX đã phải vận hành hết công suất với sự tham gia của 10-15 thành viên.

Trung bình mỗi vụ, HTX chế biến và tiêu thụ khoảng 150 tấn, trong đó sản lượng ô mai khoảng 2 tấn, mứt 2 tấn và 2.000 lít rượu táo mèo. Chúng tôi phải tính toán, cân đối để vừa đảm bảo sản lượng vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

PV: Triết lý kinh doanh của chị là gì?

Chị Đoàn Thị Lương: Để tạo dựng uy tín trên thị trường, chất lượng và sự chuyên nghiệp là nguyên tắc mà tôi luôn theo đuổi. Từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến, bảo quản đều phải rất cẩn thận. Trong đó, ưu tiên hàng đầu của tôi là chọn được đầu vào đạt chất lượng.

Táo mèo là loại quả đặc trưng của Yên Bái, có nhiều nơi trồng nhưng HTX phải chọn lọc vùng trồng, tới tận vườn Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) để tìm hiểu, thu mua, đặt hàng. Tất cả các loại táo mèo dùng để sản xuất ra ô mai, mứt… đều được chúng tôi lựa chọn cẩn thận, chỉ sử dụng những quả tươi, không dập nát, không bị sâu, thối.

PV: HTX đã triển khai những hoạt động gì để phát triển sản xuất?

Chị Đoàn Thị Lương: Chúng tôi đã tìm đến các nguồn hỗ trợ, nguồn vay vốn để mở rộng quy mô, đầu tư thêm máy móc phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, các thành viên trong HTX cũng nỗ lực trong việc giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm, đa dạng hình thức bán hàng, từ bán trực tiếp tại cửa hàng, đại lý khu du lịch trong và ngoài tỉnh đến bán hàng online.

Đến nay, sau hơn 1 năm thành lập, HTX đã tạo thu nhập cho các thành viên đạt 5-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, HTX còn đứng ra liên kết, tiêu thụ sản phẩm của bà con trong vùng với giá thu mua ổn định, tránh tình trạng bị tư thương ép giá.

Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến, các sản phẩm từ quả táo mèo đều có giá trị cao hơn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến bền vững. Tôi mong một ngày nào đó, sản phẩm của chúng tôi sẽ được xuất khẩu.

PV: Xin cảm ơn chị!

Lê Hoa (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dua-qua-son-tra-xuong-pho-20240702184130111.htm