Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các ngành kinh tế của Ninh Bình đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo ra các lợi thế cạnh tranh nổi trội. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu mới trong việc chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế, tạo động lực cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Nhân viên ngân hàng Vietcombank hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Internet BanKing. Ảnh: Anh Tuấn

Nhân viên ngân hàng Vietcombank hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Internet BanKing. Ảnh: Anh Tuấn

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước làm chủ về công nghệ

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Ninh Bình nhanh, bền vững, phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 142/ KH-UBND về phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Cụ thể như: Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục tiếp cận, gia nhập thị trường; hỗ trợ trong việc tạo ra các môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới ứng dụng công nghệ số tại Ninh Bình.

Cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các phát kiến đổi mới trong điều kiện thị trường thực tế của tỉnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, các cấp, ngành liên quan cần tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi của doanh nghiệp; tổ chức triển khai các hoạt động của mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thảo và các hoạt động khác.

Trong đó, chú trọng phát triển các hình thức đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có chi nhánh tại Ninh Bình nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ số trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là về y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, môi trường, đô thị, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại; Tăng cường đặt hàng nghiên cứu đối với các trường: Đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài tỉnh để tạo ra giải pháp công nghệ số phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; Các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số chủ động nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm công nghệ số; Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo chủ động sử dụng giải pháp nền tảng công nghệ số Việt Nam, cung cấp giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển mọi lĩnh vực về đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Đoàn Thanh Hải
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Tiên phong ứng dụng công nghệ mới

Là một trong những ngân hàng tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, Vietcombank Ninh Bình đã được UBND tỉnh giao trách nhiệm là Ngân hàng duy nhất trên địa bàn triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí dịch vụ hành chính công.

Chúng tôi xác định đây là vinh dự, cơ hội to lớn nhưng cũng nhiều thách thức trong việc đồng hành cùng với UBND tỉnh trong việc cải cách thủ tục hành chính. Sau hơn 1 năm triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí dịch vụ hành chính công, gần 93% UBND từ cấp xã trở lên trên địa bàn tỉnh đã mở tài khoản chuyên thu tại Vietcombank.

Với hình thức thanh toán qua mã QR, hiện nay Vietcombank đã triển khai cho toàn bộ các xã thuộc 2/8 huyện, thành phố trên địa bàn; 6/8 huyện, thành phố còn lại đạt tỷ lệ hoàn thành từ 30% - 80%....

Bên cạnh đó Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên và duy nhất trên địa bàn cho đến nay phân luồng nhu cầu của khách hàng khi đến giao dịch bằng hình thức lấy số. Sau hai năm triển khai, Vietcombank Ninh Bình đã nhận được những đánh giá tích cực từ phía khách hàng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với quyết tâm của tập thể cán bộ, đảng viên, nhân viên, Vietcombank Ninh Bình tự tin sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao phó, thay đổi thói quen thu ngân sách bằng tiền mặt dần dịch chuyển sang các phương thức thanh toán hiện đại; công khai, minh bạch hóa các khoản thu ngân sách, góp phần đưa Ninh Bình vươn lên thứ hạng cao trong khu vực cũng như trên toàn quốc.

Đồng thời, đây cũng là những yếu tố nền tảng quan trọng để Vietcombank sớm thành công xây dựng ngân hàng số.

Ông Đinh Mạnh Tuân
Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Ninh Bình

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh

Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình là doanh nghiệp thứ hai của tỉnh được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ với các sản phẩm cung ứng ra thị trường có hàm lượng công nghệ cao như: Giàn không gian, cẩu, thiết bị phụ kiện thay thế cho các nhà máy xi măng, nhà máy hóa chất...

Những năm qua, các sản phẩm của Công ty thiết kế, chế tạo cung ứng ra thị trường đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, chất lượng đảm bảo, có giá thành rẻ hơn sản phẩm ngoại nhập. Công ty luôn xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp chính vì vậy, Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai dự án nghiên cứu khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách của Nhà nước.

Các hoạt động sản xuất của Công ty luôn gắn liền với hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, do đó nhiều sáng kiến, đề tài khoa học triển khai tại Công ty đã được đánh giá cao về khả năng ứng dụng, nhân rộng, tính làm lợi cho doanh nghiệp và luôn đạt giải cao tại các cuộc thi, hội thi về khoa học trong tỉnh và trên toàn quốc.

Hiện nay, Công ty đã từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, giúp các đơn vị thiết kế và các cơ sở chế tạo cơ khí áp dụng công nghệ tự động hóa, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành sản phẩm. Các dự án sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của Công ty ngoài lợi ích mang lại cho doanh nghiệp còn đạt hiệu quả tích cực về kinh tế-xã hội, góp phần phát triển nền công nghiệp của địa phương nói riêng và xây dựng nên hệ sinh thái kinh tế số nói chung.

Với điều kiện hiện nay phải cạnh tranh cao trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm các hợp đồng sản xuất, Công ty đã chú trọng đầu tư Trung tâm công nghệ cao để nghiên cứu ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của đối tác.

Đồng thời, có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Công ty cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ đồng hành của Nhà nước để chuyển đổi số trong các lĩnh vực như quản trị doanh nghiệp, nhân sự, tài chính... để nhanh chóng bắt kịp với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Trần Thị Thu Hạnh
Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chinh-quyen-dong-hanh-voi-doanh-nghiep-trong-chuyen-doi-so/d2022040808347602.htm