Chính quyền ông Biden đã duyệt cho phép các nhà thầu quân sự tới Ukraine
Chính quyền Biden đã dỡ bỏ lệnh cấm không chính thức đối với các nhà thầu quân sự Mỹ tại Ukraine nhằm hỗ trợ quân đội Ukraine bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp, đặc biệt là máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng không Patriot.
Chính sách mới được phê duyệt vào đầu tháng này trước cuộc bầu cử, sẽ cho phép Lầu Năm Góc ký hợp đồng với các công ty Mỹ để làm việc trực tiếp tại Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột với Nga xảy ra vào năm 2022. Các quan chức hy vọng rằng điều này sẽ đẩy nhanh tiến độ bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí mà quân đội Ukraine đang sử dụng.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump có giữ nguyên chính sách này khi nhậm chức vào tháng 1 hay không. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt giao tranh giữa Ukraine và Nga “trong vòng 24 giờ” sau khi trở lại nắm quyền.
“Mục đích là giúp Ukraine sửa chữa và bảo trì các thiết bị quân sự do Mỹ và các đồng minh cung cấp. Bộ Quốc phòng (DoD) đang mời thầu một số nhà thầu để hỗ trợ Ukraine duy trì những thiết bị đã cung cấp”, một quan chức quốc phòng đề nghị giấu tên cho biết.
Các nhà thầu này được cho rằng sẽ hoạt động xa các tuyến đầu và không tham gia chiến đấu với lực lượng Nga. Họ sẽ giúp quân đội Ukraine sửa chữa nhanh chóng các thiết bị do Mỹ cung cấp để có thể sớm đưa trở lại chiến trường khi cần thiết.
Quan chức quốc phòng xác nhận rằng Mỹ đang xúc tiến kế hoạch này vì nhiều hệ thống vũ khí như F-16 và Patriot đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật đặc thù để bảo trì.
Trong hai năm qua, ông Biden luôn yêu cầu người Mỹ, đặc biệt là binh lính Mỹ, phải tránh xa các tuyến đầu tại Ukraine. Nhà Trắng quyết tâm hạn chế rủi ro cho người Mỹ và tránh để Nga hiểu lầm rằng quân đội Mỹ đang tham gia chiến đấu tại đây. Bộ Ngoại giao đã cảnh báo công dân Mỹ không nên đến Ukraine kể từ năm 2022.
Do đó, các thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp khi bị hư hỏng nặng thường phải được vận chuyển ra khỏi Ukraine đến Ba Lan, Romania hoặc các quốc gia NATO khác để sửa chữa, gây mất thời gian. Các binh lính Mỹ chỉ có thể hỗ trợ quân đội Ukraine trong việc bảo trì cơ bản và hậu cần từ xa qua video hoặc điện thoại bảo mật - một hình thức có nhiều hạn chế do không thể làm việc trực tiếp với các hệ thống vũ khí.
Việc cho phép các nhà thầu Mỹ dày dạn kinh nghiệm hiện diện tại Ukraine có nghĩa là họ sẽ có thể giúp sửa chữa nhanh chóng các thiết bị có giá trị cao, giúp chúng sớm quay lại chiến đấu. Một trong những hệ thống phức tạp có khả năng cần bảo trì thường xuyên là máy bay chiến đấu F-16, loại vũ khí mà Ukraine đã nhận được trong năm nay.
Các công ty đấu thầu sẽ phải xây dựng kế hoạch giảm thiểu rủi ro nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên của mình, các quan chức cho biết.
“Bộ đã đưa ra quyết định này sau khi đánh giá rủi ro kỹ lưỡng và phối hợp với các cơ quan liên quan”, quan chức quốc phòng nói. “Mỗi nhà thầu Mỹ, tổ chức hoặc công ty sẽ tự chịu trách nhiệm về an toàn và an ninh cho nhân viên của họ và phải bao gồm các kế hoạch giảm thiểu rủi ro trong hồ sơ dự thầu”.
Các quan chức cho biết thêm rằng sự thay đổi chính sách này sẽ không dẫn đến sự hiện diện lớn của các nhà thầu Mỹ như đã thấy ở Iraq và Afghanistan. Thay vào đó, chỉ có từ vài chục đến vài trăm nhà thầu làm việc tại Ukraine cùng một lúc.
“Cần lưu ý rằng hiện đã có một số công ty Mỹ có nhân viên ở Ukraine thực hiện các hợp đồng cho chính phủ Ukraine, vì vậy điều này sẽ không làm tăng đáng kể số lượng nhân viên của các công ty Mỹ làm việc tại Ukraine”, quan chức quốc phòng nói.