Chính quyền số - Bước chuyển mới
Trong tiến trình chuyển đổi số, Tuyên Quang xác định trục Chính quyền số sẽ là nền tảng chủ chốt, tạo cơ sở vững chắc trong việc chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc.
Những cuộc họp nghìn người
Nhờ công nghệ số, những cuộc họp thu hút tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người không còn xa lạ. Hiệu quả, chất lượng công việc được nâng lên, đẩy nhanh được “tốc độ” giải quyết công việc, đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.
Hội nghị nghiên cứu, học tập cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 7-4 của Tỉnh ủy Tuyên Quang đã thu hút trên 23 nghìn đại biểu tại 190 điểm cầu trực tuyến trên toàn tỉnh.
Đối với xã Thượng Giáp (Na Hang) một trong những xã xa nhất tỉnh, việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến với cán bộ, công chức, đảng viên ở đây thực sự có ý nghĩa rất lớn. Chủ tịch UBND xã Thượng Giáp Nguyễn Văn Hằng chia sẻ, họp trực tuyến được triển khai đã giúp cán bộ, đảng viên tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều. Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, tỷ lệ cán bộ, đảng viên dự họp đạt trên 90%.
Điều rất vui là tại buổi nghiên cứu, những cán bộ, đảng viên ở Thượng Giáp được trực tiếp nghe các báo cáo viên trung ương giới thiệu, phân tích từng nội dung của cuốn sách. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hằng, chính việc học tập trực tiếp, không qua “trung gian” giúp những tư tưởng, nội dung của cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in sâu vào tâm trí người nghe hơn. Qua đó, tạo thành động lực để cán bộ, đảng viên quán triệt, học tập sâu sắc hơn.
Hội nghị nghiên cứu, học tập cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là một trong rất nhiều hội nghị trực tuyến được tỉnh triển khai trong năm nay. Theo thống kê, năm 2023, có khoảng 60 cuộc họp được tổ chức trực tuyến từ trung ương hoặc từ tỉnh đến xã qua hệ thống truyền hình trực tuyến của tỉnh.
Với mạng truyền số liệu chuyên dùng từ cấp tỉnh tới cấp xã ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số, việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, họp thực hiện bằng hình thức trực tuyến đem lại hiệu quả cao. Đây là xu thế khách quan vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại, mở rộng đến nhiều cấp, nhiều đối tượng. Đặc biệt, cấp cơ sở được trực tiếp tiếp thu các bài giảng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, báo cáo viên Trung ương với việc phân tích cụ thể các nội dung của chỉ thị, nghị quyết...
Nỗ lực trong Top 35
Với mục tiêu trở thành tỉnh nằm trong Top 35 của cả nước về chuyển đổi số, năm 2023 Tuyên Quang tập trung đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó có chính quyền số.
Một trong những dấu ấn nổi bật trong xây dựng chính quyền số của tỉnh Tuyên Quang là việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh cung cấp 1.848 thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến một phần là 686 dịch vụ, đạt 37,1%; dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 1.094 dịch vụ, đạt 59,2%; Dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến là 68 dịch vụ; đạt 3,7%. T
ừ ngày 01/01/2023 đến 28/9/2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận qua Hệ thống là gần 200 nghìn; tổng số hồ sơ đã giải quyết qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang là trên 191 nghìn hồ sơ; Số hồ sơ đang giải quyết là 7.774 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đạt 96,1%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 44,17%.
Số dịch vụ công trực tuyến có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến là 97 thủ tục; số hồ sơ có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến gần 9 nghìn hồ sơ với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Theo thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt 92,68%, điểm đánh giá đạt 17,3/18 điểm.
Đầu năm 2023, Tuyên Quang chính thức đưa phiên bản Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh có chức năng Kho dữ liệu công dân vào hoạt động, qua đó, người dân và doanh nghiệp khi đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ có một không gian lưu trữ dữ liệu điện tử, giúp lưu giữ thông tin, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính. Bên cạnh đó, hệ thống đã triển khai tính năng Trợ lý ảo iSee để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cán bộ tham gia vào quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Chữ ký số công cộng cũng đã được triển khai, tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, hiện tại trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã được tích hợp chữ ký số công cộng cấp miễn phí cho người dân sử dụng của 02 nhà cung cấp là Vinaphone và Viettel.
Hệ thống dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh tới cấp xã được sử dụng hiệu quả, bao gồm Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Tuyên Quang; Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Tuyên Quang; Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Tuyên Quang. Ngoài họp trực tuyến, đã có khoảng 1.442.179 văn bản điện tử của các cơ quan, đơn vị được trao đổi qua Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tỉnh Tuyên Quang; khoảng 2.436 chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ đã được cấp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử. Tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%.
Tỉnh đã ban hành Quyết định về Danh mục dữ liệu mở và kế hoạch triển khai cung cấp dữ liệu mở tỉnh Tuyên Quang, gồm 17 dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Tuyên Quang gồm 44 cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh và cung cấp dữ liệu mở của chính quyền tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tuyên Quang có 8 CSDL chuyên ngành và CSDL dùng chung được kết nối qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, cấp quốc gia. Hiện, có 13 dịch vụ dữ liệu có trên chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức ở Tuyên Quang.
Xây dựng chính quyền số là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, nhưng không thể không làm. Với những kết quả đạt được, Tuyên Quang đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra, từng bước xây dựng và hoàn chỉnh chính quyền số thực sự là nền tảng chủ chốt, thay đổi căn bản phương thức, lề lối làm việc, rút ngắn thời gian xử lý công việc, công khai, minh bạch thông tin, đưa công tác chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.