Chính quyền và người dân vùng ĐBSCL 'ứng phó' với hạn mặn
Các ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ứng phó với hạn mặn.
Hạn mặn đang diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất, đời sống người dân vùng ĐBSCL. Để giảm thiệt hại và từng bước thích ứng với thiên tai, từ đầu mùa khô đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các Bộ ngành TW, chính quyền, các ngành chức năng và người dân vùng sông nước Cửu Long đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, thông minh, sáng tạo, phù hợp thực tiễn để ứng phó có hiệu quả.
Ngay từ đầu mùa khô, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình từ nguồn vốn của Bộ tại vùng ĐBSCL sớm hoàn thành. Nếu công trình nào chưa hoàn thành thì phải đảm bảo được chức năng ngăn mặn, trữ ngọt. Trong đó, có 5/11 dự án lớn đã hoàn thành; chỉ riêng tại Bến Tre có 18 cống đập ven sông đã cơ bản đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả.
Tỉnh Tiền Giang được Bộ Nông nghiệp- PTNT đầu tư hệ thống máy bơm cao áp đặt tại cống Xuân Hòa để bơm cấp bổ hàng triệu mét khối nước ngọt; vận hành hệ thống cống đập ven sông, ven biển đảm bảo kín, ngăn mặn và trữ ngọt để phục vụ gần 30.000 ha lúa vùng ngọt hóa Gò Công và gần 80.000 ha vườn cây ăn trái. Đối với vườn cây đặc sản ở khu vực phía Tây, người dân đã thuê sà lan, xe tải chở nước từ vùng ngọt về phun tưới cho cây.
Trong công tác chống hạn, địa phương còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để đắp đập “ dã chiến”, trên kênh Nguyễn Tấn Thành, sông Bảo Định, khoan 8 giếng tầng sâu để bổ sung nguồn nước ngọt cho các nhà máy xử lý nước, phục vụ cho 800.000 người dân. Đối với vùng cù lao, ven biển, vùng hẻo lánh, xa nguồn nước máy, tỉnh Tiền Giang đã mở trên 60 vòi nước cộng cộng để phục vụ miễn phí cho dân nghèo.
Ông Trần Văn Đẹp, người dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang bày tỏ: "Làm vòi nước công cộng này chòm xóm ở đây có xài, đỡ vất vả hơn rất nhiều chứ nếu không phải đi đổi nước ở xa lắm. Nước này ngon, ngọt, dân xài được. Kéo được nước công cộng này dân cảm ơn chính quyền giúp cho dân thoải mái hơn rất nhiều".
Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị “vào cuộc” chống hạn mặn nên đến thời điểm này thiệt hại trong sản xuất ở tỉnh Tiền Giang giảm nhiều so với năm 2016. Hơn 1,9 triệu dân ở địa phương hiện chưa phải thiếu nước ngọt.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ: "Về nguyên nhân để đạt được, trước hết do có kinh nghiệm từ năm 2016, có sự lãnh đạo tập trung của Tỉnh ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân và UBND. Đặc biệt là ý thức của người dân trong phòng chống hạn mặn, người ta tự lo bảo vệ tài sản. Cây lúa thì có người còn lơ là riêng sầu riêng, các loại cây có năng suất cao người ta rất ý thức, tự đo độ mặn… Thứ ba là có kế hoạch ứng phó xác thực tế và đúng thời điểm".
Tại tỉnh Bến Tre công tác ứng phó với hạn hán cũng rất quyết liệt. Tỉnh đã ứng kinh phí trên 100 tỷ đồng để làm thủy lợi, chở nước ngọt về phục vụ nhân dân và hoạt động của các khu công nghiệp Giao Long, An Hiệp. Phong trào trữ nước ngọt, chia sẻ nguồn nước ngọt, tặng hồ chứa nước, bình lọc nước mặn thành nước ngọt cho hộ nghèo, gia đình chính sách hết sức ý nghĩa.
Nổi bật như Tỉnh Đoàn Bến Tre vừa vận động Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico tặng 40.000 lít nước Aquafina, 5 máy lọc nước; Công ty Viettel chi nhánh Bến Tre tặng 2.000 thùng nước loại 20 lít, 20 bồn chứa nước, hỗ trợ cho bà con nhân dân huyện Châu Thành và Bình Đại.
Bà Nguyễn Thị Hưởn, người dân xã Phú Hưng, Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã nhiều năm sử dụng giếng nước của gia đình để tặng cho người nghèo chia sẻ: "Nước ngọt tôi không sử dụng hết thì để đó cũng không có lợi ích gì. Thành ra tôi chia xớt cho mọi người không có người ta xài".
Phong trào “ Đồng khởi” phòng chống hạn mặn đang diễn ra sôi nổi tại quê hương xứ dừa. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm: "Tỉnh ủy- UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chỉ đạo và đã tổ chức vận hành hợp lý có hiệu quả ngay những công trình thủy lợi vừa hoàn thành, hoặc sắp hoàn thành kết hợp đắp các đập tạm ở nơi có độ mặn cao. Đồng thời tranh thủ lấy nước có độ mặn thấp hơn từ bên ngoài để kéo giảm độ mặn cung cấp cho các nhà máy nước để vận hành cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; mua sắm một số thuyền bơm, sửa chữa nâng cấp một số cống bờ bao và nạo vét nhiều tuyến kênh thủy lợi đưa vào vận hành".
Đối phó với hạn mặn, ngay từ đầu năm, tỉnh Kiên Giang đã vận hành 55 cống trên tuyến đê biển Hòn Đất – Kiên Lương, huyện Giang Thành, TP. Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành; 17 cống ở vùng U Minh Thượng và 35 cống của dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No. Hiện nay, ngành nông nghiệp kết hợp với các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng hạn mặn triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa trong vụ đông xuân 2019 – 2020 và tiếp tục phòng chống hạn mặn cho vụ hè thu 2020.
Hiện nay tổng số đập đã đắp là 195 đập, trong đó có 2 đập bằng cừ thép Larsen và 193 đập đất với tổng kinh phí hơn 34 tỷ 300 triệu đồng. Trong năm nay, Kiên Giang đang triển khai đầu tư 21 công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư khoảng 190 tỷ đồng và các giải pháp thủy lợi, công trình cấp nước để đảm bảo sản xuất cũng như sinh hoạt cho người dân. Nhờ vậy mà đến nay, hơn 54% diện tích lúa Đông Xuân của tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch, đạt năng suất trên 7 tấn/ha. Huyện đảo Phú Quốc đảm bảo nước ngọt đến hết tháng 5/2020.
Về công tác chống hạn mặn, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết thêm: "Kiên Giang lúc đầu cũng rất lo nhưng trong điều kiện hiện nay thì tình hình hạn mặn diễn ra như thế thì chúng tôi chủ động đắp được hết các đập nhỏ rồi bây giờ chỉ còn đắp đập trên kênh ông Hiển và kênh Chưng Bầu nữa thì sẽ giải quyết được tình hình mặn từ đây đến cuối tháng 3".
Cà Mau là tỉnh duy nhất tại ĐBSCL không thể tiếp cận nguồn nước từ thượng nguồn đổ về. Trước mắt, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, các ngành chức năng địa phương đang triển khai phương án hỗ trợ phương tiện, công cụ để người dân trữ nước. Đối với những nơi người dân ở gần nguồn nước tập trung thì kéo dài tuyến ống để người dân có thể tiếp cận nguồn nước sạch.
Giải pháp trước mắt này sẽ giải quyết, giúp cho khoảng 8.000 hộ dân đang thiếu nước. Đặc biệt, do khô hạn đã dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất ven kênh rạch là nỗi lo ngại lớn của vùng cực Nam Tổ quốc.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN Cà Mau cho biết, trong thời gian chờ dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé hoàn thành để đưa nước ngọt về phục vụ khoảng 120 ngàn ha đất trong vùng ngọt, thì địa phương sẽ chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa phù hợp, nhằm giảm nhất thiệt hại trong sản xuất cho bà con.
"Trước nhất phải làm công tác tuyên truyền sâu, rộng hơn để bà con hiểu được ở vùng này khả năng chịu hạn cục bộ là rất lớn do không có nguồn nước từ sông Hậu về để bà con có ý thức làm đúng lịch thời vụ. Đồng thời chúng tôi cũng phải chọn những giống ngắn ngày phù hợp với vụ Đông – Xuân và vụ mùa. Còn vụ lúa - tôm thì cũng phải chọn giống gắn ngày, chịu được hạn mặn để khuyến cáo bà con vừa làm đúng lịch thời vụ vừa chọn được những giống lúa tốt", ông Nam chia sẻ.
Hiện nay, công tác “ứng phó” với hạn mặn của các địa phương vùng ĐBSCL đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Các địa phương như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang cũng đang tập trung thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình để "cứu nguy" cho hàng chục nghìn ha lúa Đông Xuân đang thiếu nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn này, các địa phương lân cận đã liên kết, hợp tác nhau để chống hạn, mặn có hiệu quả cao, như; tỉnh Long An hỗ trợ đắp 5 cống đập ven quốc lộ 62 để ngăn không cho nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây tràn qua vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang. Tiền Giang đắp đập thép ngang kênh Nguyễn Tấn Thành, sông Bảo Định ngăn mặn tràn qua địa bàn thành phố Tân An và huyện Thạnh Hóa (Long An).
Tỉnh Kiên Giang và An Giang phối hợp trong việc điều tiết nước ngọt không để vùng Tứ Giác Long Xuyên bị ảnh hưởng lớn về nguồn nước ngọt. Đáng lưu ý là trong quá trình ứng phó với hạn mặn, Bộ Nông nghiệp- PTNT luôn sát cánh cùng chính quyền và người dân đồng bằng. Rất nhiều đoàn công tác do lãnh đạo Bộ và các cơ quan trực thuộc Bộ đến khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn và giải quyết các khó khăn mà các địa phương gặp phải trong công tác chống hạn mặn. Nhờ đó mà đến nay, hơn 1,1 triệu ha trong tổng số trên 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân trong vùng đã cho thu hoạch với năng suất đạt từ 6,9- 7 tấn/ha.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT thông tin diện tích lúa bị thiệt hại chỉ chiếm chưa tới 10% so với đợt hạn mặn mùa khô năm 2016. Toàn vùng còn có khoảng 400.000 ha lúa chín xanh chuẩn bị bước vào thu hoạch với niềm vui trúng giá.
“Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thành lập tổ công tác tiền phương do 1 đồng chí lãnh đạo Bộ làm tổ trưởng và thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kết hợp với các địa phương để tổ chức các biện pháp phòng chống hạn hán xâm nhập mặn. Các công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp-PTNT quản lý vượt tiến độ thi công từ 6-13 tháng; 5/11 dự án đã đưa tạm thời vào vận hành để phòng chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019 giúp chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha đất canh tác nông nghiệp và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300 nghìn ha”, ông Hiệp cho hay.'
Công tác phòng chống hạn mặn ở vùng ĐBSCL những ngày qua, sức dân đã được huy động tối đa với phương châm “4 tại chỗ” nhằm giữ vững thành quả, công sức lao động và ổn định đời sống trong mùa khô hạn gay gắt./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chinh-quyen-va-nguoi-dan-vung-dbscl-ung-pho-voi-han-man-1021756.vov