Quốc hội đồng ý chi hơn 22.000 tỷ đồng để phòng, chống ma túy đến năm 2030
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy với tổng vốn trên 22.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030.
Chiều 27/11, với 453/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030.
Quốc hội quyết nghị kinh phí thực hiện chương trình với tổng vốn là 22.450 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương tối thiểu hơn 17.700 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.600 tỷ đồng.
Chương trình đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy. Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá.
Hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%.
Hai năm một lần, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện chương trình; năm 2030, tổng kết việc thực hiện chương trình, đồng thời nghiên cứu, đề xuất chương trình cho giai đoạn tiếp theo.
Trước khi Quốc hội thông qua, một số ý kiến đại biểu cho rằng nguồn vốn thực hiện chương trình còn hạn chế và cần tăng tổng mức vốn và có lộ trình bổ sung vốn kịp thời; đề nghị tăng nguồn huy động xã hội hóa.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về kinh phí thực hiện chương trình và nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình.
Cụ thể đối với địa phương tự cân đối ngân sách thì tự bảo đảm kinh phí để thực hiện chương trình từ ngân sách địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, đang nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện chương trình. Ưu tiên hỗ trợ ngân sách trung ương cho phòng, chống ma túy ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, các nhiệm vụ cấp bách của chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn.